Bình Dương: Cảnh báo nạn mạo danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Một phụ nữ tại Bình Dương đã bị lừa gần 1,1 tỷ đồng từ cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ viện kiểm sát, cơ quan công an thông báo người này liên quan đến đường dây ma túy. Chí Tưởng (TTXVN/Vietnam+)
Bình Dương: Cảnh báo nạn mạo danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 17/7, Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cho biết đã nắm vụ việc và chuyển hồ sơ đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương về thông tin trình báo của một phụ nữ bị lừa gần 1,1 tỷ đồng từ cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ viện kiểm sát, cơ quan công an.

Theo thông tin ban đầu, bà N. ngụ huyện Dầu Tiếng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại mạo danh là người của Viện Kiểm sát, Công an thành phố Đà Nẵng, thông báo bà liên quan đến đường dây ma túy.

Đầu dây bên kia yêu cầu bà N. phải chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, sau khi điều tra, nếu bà N. không liên quan sẽ trả lại cho bà.

Khi biết bà N. chưa có tài khoản ngân hàng, người này đã hướng dẫn bà đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt, chi nhánh huyện Dầu Tiếng để mở tài khoản.

Sau khi bà N. mở tài khoản xong, đối tượng yêu cầu bà cung cấp mã OTP; đồng thời hướng dẫn bà đến thị xã Bến Cát để cầm sổ đất vay tiền.

Từ ngày 4-8/7, bà N. đã chuyển vào số tài khoản mới mở gần 1,1 tỷ đồng. Mấy ngày sau, không thấy ai liên hệ nên bà N. đến ngân hàng kiểm tra tài khoản thì tá hỏa khi biết toàn bộ số tiền đã bị rút hết.

Biết mình bị lừa, bà N. đã đến cơ quan công an trình báo. Vụ việc đã được Công an huyện Dầu Tiếng chuyển hồ sơ đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương để điều tra theo thẩm quyền.

[Infographics] 'Chỉ mặt' các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Cùng ngày, Phòng An ninh Mạng và Phòng Chống Tội phạm sử dụng Công nghệ Cao Công an tỉnh Bình Dương phát đi cảnh báo về nạn lừa đảo của các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện, thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt," “thuê bao sai thông tin."

Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo, như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...

Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội... của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, để phòng tránh, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ.

Chỉ thực hiện theo các thông báo cập nhật, chuẩn hóa thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Theo đó, người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Đối với các thuê bao đã bị khóa hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại.

Khi cần hỗ trợ liên quan đến phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hãy liên hệ đến Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh Mạng và Phòng Chống Tội phạm sử dụng Công nghệ Cao Công an tỉnh Bình Dương, số điện thoại: 0274.3815505./.

Chí Tưởng (TTXVN/Vietnam+)
129 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1413
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1413
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168520