Biểu tình phản đối chính phủ tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ 

Ngày 1/5, các nghiệp đoàn Hy Lạp đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động bằng cuộc đình công toàn quốc trong 24 giờ và các cuộc biểu tình nhằm phản đối các yêu cầu cắt giảm mới từ các chủ nợ để đổi lấy cứu trợ tài chính cho quốc gia này.
Biểu tình phản đối chính phủ tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ

Dưới áp lực của các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ euro (tương đương 3,8 tỷ USD) trong năm 2019 và 2020. Athens thừa nhận việc cắt giảm quỹ hưu trí và mức miễn thuế mới là nhằm đổi lấy sự chấp thuận sử dụng số tiền tương đương cho các biện pháp xóa đói giảm nghèo. Các biện pháp này sẽ được Quốc hội Hy Lạp thông qua vào giữa tháng 5 trong bối cảnh chính quyền Athens hy vọng đạt được một thỏa thuận vào ngày 22/5 tới trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Dự kiến, một cuộc tổng đình công phản đối quyết định cắt giảm trên diễn ra vào ngày 17/5 tới. 

Một nguồn tin chính phủ cho biết Athens và các chủ nợ đang tiến gần đến một thỏa thuận sơ bộ. Trả lời phỏng vấn ngày 30/4, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (Vôn-phơ-gang Soi-blơ) khẳng định việc đạt được thỏa thuận vào ngày 22/5 là khả thi nếu Hy Lạp tôn trọng mọi thỏa thuận. Ông nhấn mạnh Hy Lạp đã đạt được tiến triển với các số liệu gần đây đều tích cực, song chính phủ nước này vẫn chưa đáp ứng mọi thỏa thuận. 

Tháng 7/2015, Hy Lạp và các chủ nợ đã nhất trí về một thỏa thuận gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD). Bất chấp sức ép từ Đức - nền kinh tế lớn nhất trong EU, IMF cho đến nay vẫn từ chối tham gia chương trình cho vay này, chủ yếu liên quan đến khả năng trả nợ của Hy Lạp. 

Hy Lạp đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế. Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 160% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone. Mới đây, ngày 7/4, Chính phủ Hy Lạp đã nhất trí "về nguyên tắc" một loạt đề xuất cải cách mới do các chủ nợ châu Âu đưa ra, mở ra hy vọng giúp Athens có thể nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3, kịp thời thanh toán khoản nợ 7 tỷ euro (7,4 tỷ USD) có hạn chót vào tháng 7 tới và một lần nữa tránh được nguy cơ mất khả năng thanh toán dẫn tới việc phải rời khỏi Eurozone. 

* Cùng ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát nước này đã phải sử dụng hơi cay để giải tán một nhóm biểu tình định diễu hành đến quảng trường Taksim bất chấp lệnh cấm của nhà chức trách. 

Những người biểu tình thuộc các nhóm cánh tả đã giương cao biểu ngữ chống chính phủ vào đúng Ngày Quốc tế Lao động sau khi cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/4 vừa qua trao thêm quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan). Cảnh sát đã tìm cách chặn khoảng 200 người biểu tình tại quận Gayrettepe (Gây-rét-tê-pê), thủ đô Istanbul khi những người này định diễu hành đến quảng trường Taksim. Trước đó, cảnh sát phong tỏa đại lộ bằng rào chắn khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt lệnh cấm bất kỳ các cuộc biểu tình nào tại quảng trường này. 

Trong khi đó, hàng nghìn người đã tham gia lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động chính thức tại khu vực được chính quyền cho phép ở quận Bakirkoy (Ba-ki-coi), gần sân bay quốc tế, ở phía Tây thủ đô Istanbul./. 

TTXVN

975 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 411
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 411
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89211026