Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề về kinh tế 

(ĐCSVN) - Một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu của Đại học Duke phát hiện, khi mức nhiệt và độ ẩm tăng trong ngày do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến việc tổn thất lao động đáng kể trên toàn thế giới. Thiệt hại kinh tế liên quan đến năng suất mất đi này có thể lên tới 1,6 nghìn tỷ USD hàng năm nếu mức tăng nhiệt vượt quá 2 độ C so với hiện tại.
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề về kinh tế

Nghiên cứu cho biết, người lao động ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và tây Thái Bình Dương, sẽ chịu tác động tồi tệ nhất.

Ông Luke Parsons, nhà nghiên cứu khí hậu tại Trường Môi trường Duke’s Nicholas, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Đáng buồn thay, nhiều quốc gia và những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tổn thất lao động hiện tại và trong tương lai không phải là những người hay quốc gia chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.”

Ông Parsons cho biết: “Nhiều công nhân ở vùng nhiệt đới đã phải nghỉ làm vào buổi chiều vì trời quá nóng. May mắn là khoảng 30% tổn thất lao động này vẫn có thể phục hồi được nhờ việc chuyển dịch giờ làm lên sáng sớm. Nhưng khi thế giới tăng thêm mỗi độ, khả năng thích ứng của người lao động theo cách này sẽ nhanh chóng giảm xuống vì ngay cả những giờ mát mẻ nhất trong ngày cũng nhanh chóng trở nên quá nóng để lao động ngoài trời liên tục”.

Theo ông Parsons, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 2 độ C — hoặc khoảng 3,6 độ F — so với hiện tại, tổn thất lao động trong nửa ngày mát mẻ nhất sẽ vượt quá tổn thất trong nửa nóng nhất ở hiện tại. Các công việc quan trọng, chẳng hạn như nông nghiệp và xây dựng, sẽ gần như bất khả thi nếu muốn thực hiện nó một cách an toàn vào các giờ buổi chiều trong mùa hè ở nhiều nơi.

Theo nghiên cứu, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Indonesia, nơi có phần lớn dân số làm việc ngoài trời, sẽ chịu thiệt hại lớn nhất về tổng thể, nhưng 14 quốc gia ít dân cư hơn có thể chịu thiệt hại bình quân đầu người cao hơn. Đó là: Bangladesh, Thái Lan, Gambia, Senegal, Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Qatar, Brunei, Ghana, Togo, Benin, Sri Lanka và Nauru.

Ông Luke Parsons và các đồng nghiệp của ông đã xuất bản bài báo mới vào ngày 14/12/2021 trên tạp chí Nature Communications. Trong đó, họ dự báo tổn thất lao động trong tương lai cho mọi quốc gia trên toàn thế giới khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1, 2, 3 và 4 độ C so với hiện tại.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng nếu chúng ta hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu ở một mức độ khác so với mức hiện tại, chúng ta vẫn có thể tránh được hầu hết các tổn thất về năng suất lao động bằng cách chuyển dịch giờ làm của lao động nặng sang sáng sớm. Nhưng nếu mức nhiệt tăng lên vượt quá 1 độ C, điều đó trở nên khó khăn hơn nhiều. Đó sẽ là một đường cong dốc xuống, nó trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân khi nhiệt độ tăng lên,” ông Parson nói.

Các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp dữ liệu khí tượng dựa trên việc quan sát và các dự báo mô hình khí hậu về nhiệt độ và độ ẩm để ước tính mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm, tổn thất lao động hiện tại và tổn thất lao động dự kiến trong tương lai khi trái đất nóng lên./.

 
H.Hà
425 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 498
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 498
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87811058