Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với thực trạng tốc độ lây nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt. Trong 6 tháng qua, hơn 100 triệu ca mắc đã được ghi nhận trên toàn cầu. Trung bình 2 ngày lại có 1 triệu ca mắc mới, đứng sau đợt dịch bệnh này là "sát thủ" khủng khiếp nhất từ trước đến nay - biến thể Delta.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 662.241 trường hợp mắc COVID-19 và 9.620 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 200,8 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,28 triệu người không qua khỏi.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới cao một cách báo động.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 181.882.368 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.185.754 ca và 95.435 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 6/8, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã ghi nhận 63.568.749 ca nhiễm. Châu Âu ít hơn 10 triệu ca, hiện đang có 52.142.951 ca nhiễm. Con số này ở Bắc Mỹ là 43.324.436 ca trong khi của Nam Mỹ là 35.811.850 ca. Tuy nhiên, nếu xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.139.862 ca, tiếp đến là Nam Mỹ hiện đã hơn 1 triệu ca, sau đó là Bắc Mỹ với 946.849 ca và châu Á với 922.464 ca.
Theo một tài liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cộng đồng nên thừa nhận "cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã thay đổi vì biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng".
CDC Mỹ đánh giá Delta dễ lây lan như bệnh thủy đậu, mỗi người nhiễm bệnh trung bình có thể truyền bệnh cho 8-9 người. Biến chủng này có thể truyền từ những người đã tiêm phòng và có khả năng gây bệnh thể nặng hơn so với những biến chủng trước.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm toàn cầu vẫn tiếp tục tăng.
"Biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hiện đã được phát hiện ở ít nhất 132 quốc gia. Nhưng sự gia tăng số ca nhiễm không hẳn là một quá trình tự nhiên, mà nó đang được thúc đẩy bởi sự tiếp xúc xã hội ngày càng tăng, các biện pháp kiểm soát y tế cộng đồng và xã hội không nhất quán, và việc tiêm chủng không công bằng", ông Tedros nói thêm.
Theo Tổng giám đốc WHO, 4 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, nhưng hơn 80% số vaccine này tập trung tại quốc gia có thu nhập cao và trên trung bình. Nhân viên y tế và những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất ở các nước có thu nhập thấp không được tiêm vaccine, trong khi một số quốc gia lại đang tiêm vaccine cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp.
"Điều này là sai lầm, những thành quả mà chúng ta đã phải rất khó khăn mới giành được thì đang bị mất đi và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải, do số ca nhiễm tăng lên", ông Tedros nói thêm.
Ông Tedros cho biết mục tiêu của WHO là hỗ trợ mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% dân số vào cuối năm nay và 70% dân số thế giới vào giữa năm tới.
"Chúng ta cần một sự đảo ngược ngay lập tức về việc phân phối vaccine. Thay vì tập trung vào các nước thu nhập cao, bây giờ vắc xin phải được ưu tiên cho các nước thu nhập thấp", ông Tedros kêu gọi.
An Bình