Biến chủng Delta làm lung lay ''phòng tuyến'' chống dịch toàn cầu 

(Chinhphu.vn) - Sự bùng phát của biến chủng Delta đã khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới thêm muôn phần khó khăn, làm thay đổi nhanh chóng đường cong dịch bệnh tại hàng chục nước và đặt ra những thách thức chưa từng có.

Sau 8 tháng được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và chiếm hầu hết số ca bệnh liên quan tới COVID-19.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến chủng Delta đang khiến cả thế giới lo ngại vì khả năng lây lan nhanh. Dù các loại vaccine hiện có được cho là vẫn hiệu quả với biến chủng này nhưng tính hiệu quả đó không cao đối với những người mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine. Đáng chú ý hơn, biến chủng Delta lây lan nhanh nhất ở những người dưới 30 tuổi, nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 thấp nhất ở hầu hết quốc gia.

Ngoài tốc độ lây lan, biến chủng Delta còn có khả năng tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn các biến chủng phát triển trước đó. Điều này cho phép nó đột phá thành công "hàng rào phòng vệ miễn dịch" ở người.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi – nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa – đã tăng 80% trong cùng giai đoạn. Ông Tedros nói: “Các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”.    

Nhiều nước tưởng chừng đã khống chế được dịch thì nay lại điêu đứng với làn sóng COVI-19 mới do chủng Delta gây ra.

Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, biến thể Delta chiếm khoảng 88% các ca mắc mới. Đặc biệt, số ca mắc chủng Delta mà chưa tiêm chủng vaccine chiếm gần 97% các ca nặng. Chủng nguy hiểm này một lần nữa đẩy Mỹ trở lại vị trí điểm nóng dịch số một thế giới, khi số ca mắc mới mỗi ngay lại trên 100.000 ca kể từ đầu tháng 8 tới nay.  

Ngay cả những nước vốn có số ca mắc đứng ở mức thấp, biến chủng Delta cũng đang gây ra nhiều quan ngại mới. Đáng chú ý là trường hợp của Nhật Bản, nước vừa tổ chức Thế vận Hội Mùa Hè 2020. Các nhà khoa học Nhật Bản ước tính biến chủng Delta là nguyên nhân gây ra 30% số ca nhiễm mới ở thời điểm cuối tháng 6. Tại Hàn Quốc, Sự xuất hiện của biến chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ này cũng khiến chính quyền phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ở Seoul và vùng phụ cận, đồng thời đẩy nhanh tối đa chương trình tiêm chủng toàn quốc.  

Tại châu Âu, biến chủng Delta chiếm tới 70% số các ca mắc mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo, số bệnh nhân COVID-19 sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thời gian gần đây trong việc giảm ca mắc và tử vong do COVID-19.

Đông Nam Á - khu vực chịu ít ảnh hưởng khi đại dịch mới bùng phát đầu năm 2020 - đang trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới cũng do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta.

Đứng trước những nguy cơ do biến chủng Delta gây ra, nhiều quốc gia đã phải áp dụng những chiến lược mới, trong đó ưu tiên lớn nhất là tăng tốc chương trình tiêm phòng vaccine. Riêng tại Indonesia, biến chủng Delta đã khiến số ca mắc mới tăng lên mức kỉ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu tiên. Khi tỉ lệ tiêm chủng toàn dân của “quốc gia vạn đảo” mới chỉ đạt 5%, giới chuyên gia y tế nước này cảnh báo trường hợp mắc mới và tử vong vì COVID-19 sẽ còn tăng cao.    

Sự nguy hiểm của biến chủng mới khiến cho New Zealand áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc sau khi ghi nhận 1 ca nhiễm mới COVID-19 sau khoảng 6 tháng. Mặc dù nước này chưa thể xác nhận ca bệnh mới nhiễm biến thể nào song chính quyền nước này sẽ xử lý như một ca nhiễm biến thể Delta.

Anh, nước đang đi đầu trong chiến dịch tiêm phòng tại châu Âu cũng lên kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9. Song song với chương trình tiêm vaccine, các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản vẫn được duy trì dựa trên nguyên tắc nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, phong tỏa, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, điều trị sớm...

Ý thức rõ về tốc độ lây lan cũng như những nguy hiểm của biến thể Delta, các nước lại siết chặt phòng dịch bệnh và tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm người chưa tiêm. Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hơn, đặc biệt biến thể Delta dễ lây lan.    

An Bình

250 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1143
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1143
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87195030