“Quan điểm của tỉnh Quảng Trị là dành nguồn lực ưu tiên, quan tâm đầu tư cho hai ngành quan trọng là y tế và giáo dục”. Đây là nội dung quan trọng được đồng chí Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận tại buổi làm việc với ngành y tế Quảng Trị về công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Những năm qua, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, toàn ngành y tế Quảng Trị đã quyết liệt, thần tốc, chỉ đạo hệ thống của mình phối hợp nhịp nhàng với các ngành, các cấp, phát động trong Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị hơn 2 năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2022 có dấu ấn rất quan trọng của ngành y trong công tác phòng, chống Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế đứng trước khó khăn nhiều mặt, vì thế sau 19 ngày làm việc tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đồng chí Lê Quang Tùng trực tiếp có buổi làm việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để đưa ra các quyết sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ngành y tế phát triển trong thời gian tới.
Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Quang Chiến, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Lê Thị Lan Hương, UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cùng lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và các đơn vị liên quan…
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra với quá nhiều điều chưa từng có trong tiền lệ như: Dịch bệnh mới, diễn biến nhanh, trên diện rộng, quy mô lớn và tác động đến tất cả các hoạt động. Tuy nhiên, Sở Y tế với vai trò là cơ quan tham mưu quan trọng trên lĩnh vực y tế đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Năm 2020, toàn tỉnh chỉ ghi nhận tổng số chỉ có 7 ca Covid-19. Năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 2.237 ca nhiễm mới. 6 tháng đầu năm 2022 có 79.622 trường hợp mắc. Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ tử vong vì mắc Covid-19 thấp.
Mặc dù nhân lực mỏng, phải làm việc với 200% sức lực trong thời gian dài, nhưng ngành Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch (PCD) chung và các dịch bệnh như: Sốt xuất huyết Dengue, Cúm A/H5N1, A/H7N9, Tay chân miệng, Sởi-Rubella, Dại; phòng, chống dịch bệnh mùa hè-Thu, phòng chống dịch bệnh nhân các ngày lễ lớn trong năm,...
Ngành Y tế đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống nên đã phát hiện sớm và xử lý kịp thời, khống chế hiệu quả: Ban hành các văn bản chỉ đạo tuyến, kế hoạch phối hợp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức giám sát, ghi nhận, điều tra và xác minh các ca bệnh tích cực; Đáp ứng nhanh, điều tra xác minh, xử lý ổ dịch và tổ chức triển khai các biện pháp đáp ứng dịch khi có thông tin ca bệnh ghi nhận; Rà soát và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, lụt bão, thiên tai,... Nỗ lực hoàn thành các kết hoạch đề ra.
Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh - đơn vị có trọng trách quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân - đã áp dụng thành công những kỹ thuật cao, giúp cho người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc, khám và chữa bệnh tại tỉnh nhà, giảm đáng kể việc chuyển tuyến. Tỷ lệ người dân đến khám và điều trị ngày càng tăng cao. Tỉ lệ tử vong 0,015%, là tỉ lệ thấp so với bình quân chung cả nước. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc y tế được Nhân dân đánh giá cao.
Đối với CDC Quảng Trị, tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp liên quan với các ca bệnh kịp thời. Tình hình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tỉ lệ tiêm chủng mũi cơ bản đạt 98,3%; tiêm mũi nhắc lại 68%, đạt tỉ lệ cao so với toàn quốc.
Khó khăn chung của ngành y tế Quảng Trị hiện nay chính là thiếu hụt nguồn nhân lực; cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân… Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách dành cho ngành y còn nhiều bất cập như: các quy định về việc đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn do bất cập trong một số quy định đấu thầu, tốn thời gian và nhân lực của cơ sở y tế mà hiệu quả không cao…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đánh giá cao những đóng góp to lớn, nỗ lực của ngành Y tế từ cấp tỉnh: Sở Y tế, CDC, Bệnh viện đa khoa tỉnh đến các hệ thống y tế tuyến cơ sở, với sự tâm huyết, y đức đã luôn chăm lo, phục vụ, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022.