Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 9/11, hai công đoàn lớn nhất tại Bỉ là Liên đoàn Cơ đốc (CSC) và Tổng Liên đoàn Lao động Bỉ (FGTB) đã tiến hành đình công khiến toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, sân bay, nhà máy, bệnh viện, nhà tù... của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mục đích đình công là nhằm yêu cầu chính phủ áp đặt mức trần giá năng lượng giống như Pháp và Đức đã làm; thực hiện các biện pháp kích cầu và sửa đổi luật tiền lương, trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Lĩnh vực giao thông bị ảnh hưởng nhiều nhất do cuộc đình công, theo đó, chỉ 1/3 số chuyến tàu tại Bỉ được vận hành. Tại các tỉnh thuộc vùng nói tiếng Pháp (Wallonia) như Namur và Luxembourg cũng như một phần của vùng Wallonia Brabant, hệ thống đường săt hoàn toàn tê liệt do thiếu nhân viên vận hành.
Tại vùng Wallonia, mạng lưới xe buýt và tàu điện ngầm bị đình trệ. Tại thủ đô Brussels, chỉ duy nhất một tuyến tàu điện ngầm hoạt động nhưng thưa chuyến.
Lĩnh vực hàng không của Bỉ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi tại sân bay Brussels, khoảng 223 chuyến bay (tương đương 60% chuyến bay) trong ngày 9/11 bị hủy. Tại sân bay Charleroi-sân bay đứng thứ hai về số lượng hành khách, tất cả các chuyến bay thương mại (120 chuyến) cũng bị hủy, ảnh hưởng đến khoảng 20.000 hành khách.
[Hàng nghìn người đình công tại Pháp yêu cầu tăng lương]
Sân bay Liège ở phía Đông của Bỉ bị phong tỏa, đường vào sân bay bị chốt chặn hoàn toàn, khiến các công ty vận tải hàng hóa hoạt động tại sân bay này như Qatar Airways, Saudi Airlines, Ethiopian Airlines, ASL hoặc FedEx, buộc phải đỗ máy bay của họ tại các sân bay khác.
Trong lĩnh vực bưu chính, 1/3 bưu điện phải đóng cửa. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các bệnh viện, với khoảng 2/3 bệnh viện ở Wallonia và Brussels không hoạt động trong ngày 9/11. Tại một số nhà tù, chính quyền phải bổ sung lực lượng cảnh sát do lực lượng quản giáo đình công.
Đối với lĩnh vực sản xuất, 1/6 số công ty trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ phải đóng cửa, trong khi 2/5 số công ty sản xuất chỉ còn 1/2 nhân viên đi làm. Tại Ghent, nhà máy Volvo Cars, một trong những công ty lớn nhất ở Bỉ với gần 7.000 công nhân, đã phải đóng cửa vì thiếu nhân lực.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã kêu gọi người dân đoàn kết và cho biết chính phủ đã thực hiện "một loạt biện pháp đặc biệt" để hỗ trợ tiêu dùng./.
Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)