Ngày 19/3, lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận để duy trì nguồn tài chính cho chính phủ đến hết tài khóa (bắt đầu từ tháng 10/2023), qua đó khởi động việc hoàn thiện và thông qua dự luật nhằm tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa vào cuối tuần này.
Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Mike Johnson, và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer đã thông báo thỏa thuận trên.
Điểm mấu chốt cuối cùng là nguồn tài trợ cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ, trong bối cảnh lượng người di cư gia tăng ở biên giới Mỹ-Mexico đã trở thành vấn đề gai góc trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.
Dự luật sẽ chi trả khoảng 75% chi tiêu của chính phủ cho tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2024, bao gồm tài trợ cho quân đội, giao thông, nhà ở và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều tranh cãi vẫn còn liên quan đến khoản nợ công lên tới 34.500 tỷ USD và đang tiếp tục "phình to."
Đầu tháng này, Tổng thống Biden và Hạ viện đã đưa ra đề xuất ngân sách cho tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2024, với những ưu tiên hoàn toàn trái ngược nhau.
Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua các dự luật chi trả khoảng 1/3 ngân sách (460 tỷ USD) và nỗ lực khơi thông gói chi tiêu lớn hơn gồm 6 dự luật phân bổ ngân sách còn lại để tài trợ cho các Bộ Quốc phòng, Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, An ninh Nội địa và những ưu tiên khác trước thời hạn chót vào nửa đêm 22/3 tới.
Tổng cộng, 2 gói chi tiêu này trị giá 1.660 tỷ USD.
Thỏa thuận mới đạt được giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã khai thông bế tắc.
Tổng thống Biden đã hoan nghênh diễn biến tích cực này và bày tỏ mong muốn sớm được ký ban hành dự luật chi tiêu nói trên./.
Thỏa thuận được công bố ngày 28/2 (sáng 29/2 theo giờ Việt Nam) cho hay các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã đồng ý gia hạn tài trợ cho 6 dự luật chi tiêu đầy đủ cho các bộ.