Bầu cử Tổng thống Pháp 2017: Bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron bước vào vòng 2 

(ĐCSVN) – Ngày 23/4, nước Pháp đã đồng loạt đi bỏ phiếu cho vòng 1 bầu cử tổng thống. Kết quả, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron đã bước vào vòng 2.

Chỉ vài tiếng sau khi các điểm bầu cử đóng cửa vào lúc 7 giờ tối (12 giờ đêm theo giờ Việt Nam) ngày 23/4, kết quả vòng 1 của bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 đã được công bố. Theo đó, hai người bước tiếp vào vòng bầu cử thứ hai là cựu Bộ trưởng Bộ kinh tế Emmanuel Macron với 23,7% số phiếu bầu và ứng viên của đảng cực hữu Marine Le Pen với 21, 7% phiếu bầu. Theo sát nút là ứng viên chính đảng Cộng hòa Francois Fillon với 19,7% và ứng viên đến từ đảng Nước Pháp Bất khuất – là đảng hợp nhất giữa Đảng Cánh tả và Đảng Cộng sản đứng thứ 4 với 19,3% số phiếu.

Đây có thể coi là một kết quả lịch sử khi hai ứng cử viên lọt vào vòng 2 của cuộc bầu cử đều không thuộc chính đảng Cộng hòa hay Xã hội như trước đây. Đây là điều hy hữu, bởi ở các nước theo chế độ đa đảng trên thế giới, người lãnh đạo quốc gia – dù được bầu trực tiếp hay gián tiếp đều là người thuộc chính đảng.

 


Hai ứng cử viên chiến thắng vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp - bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron - Ảnh: Le point

Bà Marine Le Pen luôn là một nhà cực hữu. Cũng giống như trường hợp của tổng thống Mỹ Donald Trump, chính sách hướng vào bên trong, đặt lợi ích của người dân nước mình lên cao nhất đã đánh trúng tâm lý của những người đi bầu. Có một nỗi bất an về sự thịnh vượng bị suy thoái đang len lỏi trong các cử tri Pháp, bất chấp độ tuổi, học vấn hoặc tình trạng kinh tế. Chính cảm giác này đã mang lại sự ủng hộ cho đảng Mặt trận Dân tộc của bà Le Pen trước những chính đảng khác.

Ông Emmanuel Macron - ứng cử viên mới chỉ 39 tuổi này chính là làn gió mới, đầy sự tươi trẻ và sức sống cho nước Pháp. Thậm chí, ứng cử viên này thật ra không thuộc đảng phái nào. Từng là Bộ trưởng Bộ Kinh tế dưới thời của ông Francois Hollande và là một thành viên Đảng Xã hội, ông Macron đã từng hy vọng ra tranh cử tổng thống dưới danh nghĩa của chính đảng này khi Tổng thống Hollande tuyên bố sẽ không tiếp tục ra tranh cử. Tuy nhiên, vốn là một đảng lâu đời ở Pháp, đảng Xã hội không muốn đánh cuộc vào một người trẻ tuổi và đã cử ra Benoit Hamon là đại diện của đảng. Thất vọng trước quyết định này, ông Macron đã từ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế và tự ra ứng cử. Ông tuyên bố, nước Pháp phải là một khối thống nhất, không có đảng cánh trái hay cánh phải. 

Ông Emmanuel Macron đề ra phong trào «En march» (Xung kích). Bắt đầu từ tháng 4 năm 2016, những người tham gia phong trào này đi gõ cửa từng nhà, hỏi từng người dân những vấn đề họ gặp phải. Chính hành động đổi mới, không theo những khuôn phép chính trị thông thường cùng với sức trẻ, ông Macron đã dần chiếm được niềm tin của cử tri, đặc biệt là người trẻ.

Rõ ràng, hai ứng cử viên trên là hai ứng viên dù không thuộc chính đảng nhưng với sự chuẩn bị tốt, với cương lĩnh chính trị đánh đúng vào tâm lý người dân, họ vẫn trở thành hai ứng cử viên cuối cùng lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử. 

Theo truyền thống bầu cử của Pháp, vòng 2 các ứng cử viên cần phải tận dụng các cử tri ủng hộ các ứng viên đã thất bại ở vòng 1. Lời kêu gọi của các chính trị gia là một lợi thế cho ông Macron. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vòng 1 có đến 20% số cử tri không đi bỏ phiếu. Đồng thời, có khoảng 35% số ứng cử viên trung dung, có thể thay đổi quyết định bất cứ khi nào. Nếu bà Le Pen tận dụng tốt những ứng cử viên này, chiến thắng trong vòng 2 có thể nằm trong tay bà./.

 

Thu Thủy

 

473 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 948
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 948
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87012821