Bầu cử thất bại, Chủ tịch Quốc hội Liban kêu gọi đối thoại quốc gia 

Việc Quốc hội Liban chưa bầu được tổng thống mới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ nội bộ tại quốc gia này, trong khi đất nước đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Bầu cử thất bại, Chủ tịch Quốc hội Liban kêu gọi đối thoại quốc gia

Ngày 14/6, Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri đã kêu gọi tiến hành một cuộc đối thoại quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bầu tổng thống mới, sau khi cơ quan lập pháp nước này thất bại lần thứ 12 trong việc lựa chọn người đứng đầu nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri nêu rõ: "Việc bầu chọn một tổng thống mới sẽ chỉ đạt được thông qua sự đồng thuận bằng cách theo đuổi con đường đối thoại trong khuôn khổ hiến pháp Liban và theo cách thức duy trì quan hệ đối tác giữa các đảng chính trị khác nhau."

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Liban đã tiến hành bỏ phiếu lần thứ 12 để bầu chọn Tổng thống mới kế nhiệm ông Michel Aoun - người đã hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu vẫn không đạt kết quả.

[Quốc hội Liban chưa bầu được Tổng thống mới sau 12 lần bỏ phiếu]

Hai ứng cử viên cho vị trí tổng thống lần này là ông Sleiman Frangieh - lãnh đạo Phong trào Marada và ông Jihad Azour - cựu Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là Giám đốc khu vực Trung Đông và Tây Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cả hai ứng cử viên đều không đạt được 2/3 số phiếu bầu (tương đương 86 phiếu) cần thiết theo quy định để trúng cử trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Vòng bỏ phiếu thứ hai không tiến hành được do không đủ số nghị sĩ tối thiểu tham dự.

Việc Quốc hội Liban chưa bầu được tổng thống mới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ nội bộ tại quốc gia này, trong khi đất nước đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Tỷ lệ lạm phát ở Liban trong tháng 4/2023 đã lên tới 269%, do đồng bảng Liban tiếp tục mất giá so với đồng USD. Đây là mức siêu lạm phát tháng thứ 34 liên tiếp ở Liban.

Ngân hàng Thế giới nhận định kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn 2019-2021 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD năm 2021.

Việc nhanh chóng bầu tổng thống và thành lập nội các mới là điều cần thiết để thực hiện những cải cách và đưa Liban vào con đường phục hồi./.

Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)

 

233 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 470
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 470
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87334645