Vòng một bầu cử sớm tại Pháp sẽ diễn ra ngày 30/6, với sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 năm 2022, do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội không kịp thời gian để tìm chọn ứng cử viên.
Cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Emmanuel Macron bởi trên thực tế, quyết định bầu cử sớm của nhà lãnh đạo Pháp ngay sau thất bại của đảng Phục hưng cầm quyền trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) trước đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) được coi là bước đi "được ăn cả, ngã về không." Nhưng có vẻ như thực tế lại không đáp ứng được những mong đợi này.
Theo kết quả thăm dò ý định bỏ phiếu do ứng dụng trực tuyến Légitrack thực hiện, trong 3 nhóm chính trị chính đang cạnh tranh nhau, phe đa số của Tổng thống Macron chỉ đứng ở vị trí thứ ba với 22% phiếu bầu, cách xa vị trí dẫn đầu của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (35%) và đứng sau cả liên minh Mặt trận Bình dân mới (NFP) của cánh tả (28%).
Kết quả thực tế tại vòng một có thể thay đổi khi có tới 17% số cử tri được hỏi vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào, hơn nữa còn phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và những người có thể thay đổi ý định vào phút chót. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới quan sát, kết quả có thể sẽ không khác nhiều, giống như những gì đã diễn ra trong cuộc bầu cử EP vừa diễn ra với phần thắng thuộc về phe cực hữu của bà Marine Le Pen.
Trước viễn cảnh ảm đạm như vậy, phe đa số của Tổng thống Macron, gồm các đảng Phục hưng (Renaissance), Phong trào Dân chủ (MoDem) và Những chân trời (Horizons), đã có nhiều cố gắng nhằm thay đổi cục diện. Nhưng trong thời gian quá ngắn ngủi, liên minh “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” này đã không đưa ra đề xuất đột phá nào trong chương trình hành động, mà chỉ lặp lại hoặc mở rộng một số nội dung có trong chương trình tranh cử lập pháp năm 2022.
Đáng chú ý nhất là chủ đề cải thiện sức mua cho tầng lớp trung lưu, một điểm nhấn mà phe đa số muốn giới thiệu. Nhưng đây cũng là chủ đề hàng đầu trong chương trình hành động của các đối thủ Tập hợp Quốc gia và Mặt trận Bình dân mới, bởi trong điều kiện kinh tế-xã hội chồng chất khó khăn, đảng phái nào cũng phải đưa ra quan điểm về chủ đề này.
Để bao quát chủ đề sức mua, phe đa số đưa ra khẩu hiệu “Kiếm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn," với những cam kết được cho là sát với thực tế hơn so với các nhóm còn lại.
Thủ tướng Gabriel Attal, người đảm nhận vai trò lãnh đạo chiến dịch của phe đa số, đã không đi quá sâu vào việc phân tích thực tế mà tập trung phê phán các đề xuất mà phe này gọi là “cực đoan," “thiếu tính khả thi” của các đối thủ.
Ông tuyên bố nếu tiếp tục làm thủ tướng sau bầu cử, “tiền thưởng chia sẻ giá trị” (PPV), còn gọi là “tiền thưởng Macron” hay “tiền thưởng sức mua” dành cho người hưởng lương, sẽ được tăng lên 10.000 euro/năm so với mức 3.000 euro hiện tại. Chính khách này cũng tái cam kết sẽ điều chỉnh lương hưu theo lạm phát và giảm hóa đơn tiền điện 15% vào mùa Đông tới, nhờ cải cách thị trường điện châu Âu.
Ngoài ra là một số ưu tiên khác như đề xuất thành lập “quỹ giúp đỡ tầng lớp trung lưu” nhằm hỗ trợ cải tạo thêm 300.000 căn hộ từ nay đến năm 2027, hoặc xây dựng thêm 400 nhà máy và tạo 200.000 việc làm trong lĩnh vực công nghiệp trong cùng thời gian.
Thất bại trong cuộc bầu cử EP đã khiến phe đa số có cái nhìn thực tế hơn, đặc biệt với quyết định không đề cử ứng cử viên tại 65 khu vực bầu cử mà họ tự đánh giá là không có cơ hội giành chiến thắng. Mục đích của phe đa số là tạo điều kiện cho các ứng cử viên của đảng trung hữu Những người Cộng hòa (LR) - những người mà họ có thể liên minh, hoặc để ngỏ “đấu trường” cho hai đảng cấp tiến RN và NFP đối đầu nhau. Tổng thống Macron muốn thông qua các hòm phiếu để thúc đẩy một “cuộc bỏ phiếu hữu ích” nhằm ngăn chặn đà tiến của phe cực hữu.
Trái ngược với sự bi quan của phe đa số, phe cực hữu đang tỏ ra rất tự tin và tràn đầy hy vọng giành quyền thành lập chính phủ mới sau bầu cử. Với một chương trình vận động tranh cử thực dụng và “mị dân," RN cũng kêu gọi “bỏ phiếu hữu ích” để ngăn chặn phe của tổng thống và hướng tới một đa số tuyệt đối trong Quốc hội mới.
“Nếu ngày mai người Pháp đặt đất nước vào tình thế bế tắc, với một thủ tướng không chiếm đa số tuyệt đối, thì chúng ta sẽ không thể thay đổi mọi thứ” - Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella đã tuyên bố như vậy trên truyền hình.
Ngay sau khi Tổng thống Macron tuyên bố giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm, RN đã làm rõ quan điểm của mình về vấn đề hưu trí - một chủ đề được rất nhiều người dân Pháp quan tâm.
Ông Bardella nhanh chóng đưa ra cam kết rằng nếu RN lên nắm quyền, ông sẽ bãi bỏ Luật Hưu trí năm 2023 của Tổng thống Macron - một dự án mà ông cho là “không hiệu quả về mặt kinh tế và bất công về mặt xã hội."
Tuy nhiên, RN muốn trước hết tập trung cho các ưu tiên khác cấp bách hơn, chẳng hạn vấn đề sức mua đang bị “xói mòn” do hóa đơn điện và năng lượng tăng quá cao.
“Để hỗ trợ sức mua, cần giảm hóa đơn tiền điện và giảm VAT đối với khí đốt, dầu và các nhiên liệu khác” - ứng cử viên thủ tướng Pháp Bardella khẳng định và coi đây là điểm tạo dấu ấn trong chiến dịch tranh cử của RN. Theo đề xuất của đảng này, thuế VAT này sẽ được giảm từ 20% xuống còn 5,5%, kể cả với hóa đơn điện.
Lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp Jordan Bardella phát biểu tại Paris ngày 9/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, ra mắt ngày 10/6, NFP là một liên minh đối lập với phe đa số của tổng thống và RN, được tập hợp từ các đảng cánh tả, gồm Nước pháp Bất khuất (LFI), đảng Xã hội (PS), đảng Cộng sản Pháp (PCF), đảng Xanh Sinh thái châu Âu (EELV) và đảng Chống tư bản mới (NPA). Mấu chốt trong chương trình hành động của NFP là đoạn tuyệt với cái cũ sau đúng “15 ngày cầm quyền đầu tiên” nếu phe này giành chiến thắng.
Để thu hút cử tri, NFP đưa ra rất nhiều đề xuất, mà đôi khi không nói rõ nguồn tài chính ở đâu. Đầu tiên là các dự án “công bằng xã hội”, bao gồm việc giới hạn giá trần các nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và nhiên liệu. Tiếp đến là bãi bỏ cải cách bảo hiểm thất nghiệp và cải cách hưu trí, tạm dừng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, “giải cứu” các bệnh viện công và áp dụng “giáo dục hoàn toàn miễn phí."
Sau giai đoạn “15 ngày đầu tiên," liên minh cánh tả sẽ bước vào “giai đoạn thứ hai”, được thực hiện trong 100 ngày tiếp theo, mà mấu chốt sẽ là các “luật lớn” về sức mua, y tế và giáo dục, cũng như các quy hoạch sinh thái, với việc tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo.
Ở giai đoạn thứ ba, dài hạn, NFP sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang “nền Cộng hòa thứ sáu” và tái công nghiệp hóa nước Pháp. Cuối cùng, chính phủ của NFP sẽ tìm cách chấm dứt các hiệp ước thương mại tự do và Hiệp ước Ổn định tài chính châu Âu.
Tương quan lực lượng giữa các phe phái tranh cử đã phần nào được phản ánh qua cuộc thăm dò ý kiến cử tri, theo đó vị trí của các đảng không có sự thay đổi kể từ khi Tổng thống Macron tuyên bố tổ chức bầu cử sớm. Mặc dù còn nhiều điều chưa chắc chắn do còn phụ thuộc vào một vài yếu tố, nhưng có vẻ như phe đa số sắp mãn nhiệm sẽ không có một sự khởi đầu suôn sẻ để bước vào vòng hai diễn ra sau đó một tuần./.
Theo giới chuyên gia tài chính, kết quả của cuộc bầu cử sớm, bắt đầu từ ngày 30/6, sẽ quyết định hướng đi của nền chính trị Pháp và có lẽ cả chính sách kinh tế của nước này.