Cuộc tranh luận được tường thuật trực tiếp trên truyền hình này được coi là thay thế cho cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 15/10, sau khi Tổng thống Donald Trump phản đối việc tiến hành trực tuyến cuộc tranh luận được Ủy ban Tranh luận Tổng thống quyết định. Cuộc tranh luận sau đó đã được thay thế bằng phiên hỏi đáp với cử tri riêng biệt.
Cuộc tranh luận cuối cùng diễn ra tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennesse do phóng viên Kristen Welker của hãng tin NBC News điều phối. Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng này được xem là cơ hội để giúp cả hai ứng cử viên tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc bầu cử, qua đó hướng đến chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tới đây. Cuộc tranh luận cũng được xem là cơ hội cuối cùng để Tổng thống đương nhiệm Donald Trump củng cố sức mạnh cho chiến dịch tranh cử của mình trong bối cảnh đối thủ của ông, ứng cử viên Joe Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò dư luận trong vòng nhiều tháng qua. Tại cuộc tranh luận lần này, Tổng thống Donald Trump được cho là đã tỏ ra kiềm chế hơn so với màn thể hiện trong cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào tháng trước khi ông liên tục cắt lời đối thủ.
|
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden bước vào vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức. (Ảnh: AFP) |
Cuộc tranh luận lần này tiếp tục xoay quanh các vấn đề, bao gồm đại dịch COVID-19 và cách ứng phó của chính phủ liên bang trước tác động của đại dịch; an ninh quốc gia; phân biệt chủng tộc, di cư; vấn đề các gia đình người Mỹ, tình trạng nghèo đói và cứu trợ liên bang, biến đổi khí hậu…
Hai ứng cử viên tranh luận trong 90 phút. Hình thức tương tự như cuộc tranh luận đầu tiên, mỗi chủ đề được thảo luận trong vòng 15 phút, mỗi ứng viên có 2 phút để trả lời sau khi người điều hành bắt đầu mỗi chủ đề bằng một câu hỏi. Trong lúc đó, micro của ứng viên còn lại sẽ bị tạm ngắt. Tuy nhiên, micro của cả hai ứng viên được bật trở lại trong các phần tranh luận mở.
Trước vấn đề xoay quanh đại dịch COVID-19 đang khiến cho hơn 8,6 triệu người Mỹ lây nhiễm và hơn 220.000 ca tử vong, ông Joe Biden khẳng định, nếu trúng cử Tổng thống, ông sẽ chỉ đạo các nỗ lực ứng phó dịch bệnh dựa theo kế hoạch chống dịch từng được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Joe Biden cũng nêu quan điểm ủng hộ các tiêu chuẩn quốc gia về phòng chống dịch. Ông cho rằng, Tổng thống nên khuyến khích tất cả người Mỹ sử dụng khẩu trang để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ông khẳng định sẽ yêu cầu các thống đốc bang bắt buộc người dân sử dụng khẩu trang nếu đắc cử. Ông cũng cho rằng vaccine ngừa COVID-19 chỉ nên được đưa vào sử dụng sau khi đã được các nhà khoa học khẳng định tính an toàn.
Trái lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến các phản ứng nhanh chóng của chính quyền nhằm đối phó với sự bùng phát của đại dịch. Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng, nước Mỹ đang phải chịu đựng những tác động tiêu cực cùng với châu Âu, khi nhiều quốc gia của khu vực này cũng đang trải qua những ca nhiễm mới tăng cao. Tổng thống Trump cũng bày tỏ quan điểm lạc quan rằng đại dịch COVID-19 sẽ biến mất và khẳng định vaccine ngừa COVID-19 sẽ có “trong vài tuần tới”.
Trước chủ đề xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, Tổng thống Trump nhắc tới những thắng lợi của ông ở Trung Đông, trong đó có việc ký kết “thỏa thuận Abraham” nhằm bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel, tiếp đó là bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Bahrain. Về phần mình, ứng cử viên Joe Biden tập trung nói về kinh nghiệm chính sách đối ngoại của ông trong 8 năm phục vụ dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Biden cho biết sẽ nỗ lực nhằm đưa nước Mỹ trở lại các hoạt động hợp tác quốc tế nếu trúng cử Tổng thống.../.
Hoài Hà (Theo CNN, CNBC, AP)