Ngày 27/5, kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) 2019 tại Ba Lan cho thấy đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu cầm quyền đã giành chiến thắng.
Cụ thể, PiS đã chiếm được 45,38% số phiếu ủng hộ, qua đó giành 27 ghế trên tổng số 51 ghế tại EP được phân bổ cho quốc gia này. Về thứ 2 là đảng Liên minh châu Âu Tự do giành được 38,47% số phiếu ủng hộ, tương đương 22 ghế trong EP. Đảng mùa Xuân đã giành được 3 ghế còn lại với 6,06% số phiếu ủng hộ.
Đây là lần đầu tiên PiS giành chiến thắng tại cuộc bầu cử EP trong bối cảnh tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử năm nay ở mức kỷ lục 45,68%. PiS thực hiện chiến dịch vận động bầu cử với chủ trương ủng hộ chi tiêu xã hội hào phóng, vốn đã được Thủ tướng Kaczynski thúc đẩy thông qua các biện pháp tăng lương hưu và phúc lợi trẻ em.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, quyền Thủ tướng Pedro Sanchez cùng ngày cũng cho rằng kết quả cuộc bầu cử EP diễn ra ngày 26/5 trong đó đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) của ông giành chiến thắng, cho thấy nguyện vọng của người dân là tiến lên phía trước, ủng hộ các chủ trương của đảng cầm quyền. Đảng PSOE của ông Sanchez giành được 20 ghế trên tổng số 54 ghế trong nghị viện châu Âu được phân bổ cho Tây Ban Nha.
Đây là cuộc bầu cử EP lần thứ 9 kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1979, trong đó số cử tri tham gia bỏ phiếu thu hẹp dần và đạt mức 43% vào năm 2014.
Cử tri toàn châu Âu đã bày tỏ thái độ bằng cách tước quyền đa số mà các đảng trung hữu và trung tả lâu nay có được tại Nghị viện châu Âu. Các đảng dân túy và dân tộc đã giành thắng lợi lớn ở Italy, Pháp và Anh. Tại Anh, đảng dân túy do ông Nigel Farage lãnh đạo với tư tưởng bài châu Âu đã chiến thắng mặc dù chỉ mới thành lập được 6 tuần.
Tại Đức, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel chỉ giành 29% phiếu - mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi đảng Dân chủ Xã hội theo xu hướng trung tả về thứ ba với 16% số phiếu ủng hộ.
Tại Pháp và Đức, phe dân tộc chủ nghĩa đã thắng thế. Đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini được dự đoán sẽ chiếm 30% phiếu bầu tại Italy. Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen - trước đây có tên Mặt trận Quốc gia - giành được tới 23,4% phiếu bầu, vượt qua đảng của Tổng thống Emmanuel Macron.
Các chính phủ châu Âu lo ngại số lượng các nghị sỹ có tư tưởng bài châu Âu được bầu nếu ở mức cao có thể sẽ tác động tới khả năng thống nhất quyết định tại cơ quan lập pháp châu Âu.
Cũng trong ngày 27/5, các quan chức Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho rằng kết quả bầu cử EP cho thấy có thể tỷ lệ ủng hộ các kế hoạch hội nhập Eurozone giảm sút và hậu thuẫn cho Italy trong những mâu thuẫn với Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề chính sách tài khóa.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức Eurozone nhận định vấn đề hội nhập Eurozone không còn được nhắc tới trong các chiến dịch vận động bầu cử. Thay vào đó là các vấn đề mà các chính trị gia quan tâm như biến đổi khí hậu, nhập cư hay các vấn đề xã hội. Chính vì vậy, nhiều khả năng gói hỗ trợ hội nhập Eurozone mà các lãnh đạo sẽ xem xét vào tháng 6 tới sẽ không đáng kể và những tiến triển hiện tại về vấn đề này cũng sẽ bị trì hoãn./.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)