Theo thống kê, vùng cát nội đồng và cát ven biển nằm dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị có diện tích 38.058 ha (chiếm 8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), trong đó diện tích bãi cát, cồn cát khoảng 17.000 ha. Vùng cát nằm trên địa bàn 25 xã ven biển của 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng với tổng dân số khoảng 100.547 người. Các cồn cát thường tạo thành dải nằm song song với bờ biển, hiện tượng cát bay, cát lấp, cát di động… vẫn thường xuyên xảy ra. Đối tượng của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu là vùng đồng bằng gần bờ biển, vùng cát nội đồng, cát ven biển, đất ngập mặn ven cửa sông, ven biển. Để có cơ sở lập quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng ven biển, Sở Nông nghiệp và PTNT đã khảo sát 14.790 ha đất quy hoạch lâm nghiệp vùng ven biển. Trong đó, diện tích đất có rừng là 10.839 ha, diện tích đất đã thực hiện các dự án trồng rừng trước đây nhưng hiện nay không thành rừng đề nghị quy hoạch trồng lại rừng 1.435 ha, diện tích đất trống không có rừng 1.171 ha, diện tích đất lâm nghiệp đang sử dụng mục đích khác là 1.344 ha.
Theo đánh giá, hiện nay trên địa bàn vùng cát và vùng ven biển của tỉnh chưa có đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng. Dự kiến trong quy hoạch sẽ chuyển rừng tự nhiên phòng hộ tại huyện đảo Cồn Cỏ sang rừng đặc dụng. Rừng phòng hộ ven biển có diện tích 8.678 ha với các loại rừng chắn gió, chắn cát bay, cát lấp có chức năng giảm cường độ gió, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, vùng sản xuất và các công trình. Rừng sản xuất có diện tích 6.112 ha, gồm có rừng tự nhiên và rừng trồng. Rừng tự nhiên sản xuất theo định hướng quy hoạch sẽ chuyển sang phòng hộ để tạo điều kiện đầu tư bảo về phục hồi thảm thực vật rừng tự nhiên vùng biển. Rừng trồng sản xuất đang đóng vai trò sản xuất gỗ nguyên liệu kết hợp phòng hộ ven biển. Ngoài ra có diện tích cây trồng phân tán theo đai, cây trồng ven đường góp phần vào phòng hộ chắn gió vùng biển.
Thời gian qua, có nhiều chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như chương trình quản lý kinh doanh rừng bền vững (FSC); chương trình khuyến nông- khuyến lâm; dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, Thạch Hãn; dự án trồng rừng chống xói mòn trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị… Ngoài ra còn nhiều dự án, tổ chức đơn vị, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ven biển. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu đề ra phương hướng phát triển lâm nghiệp ven biển. Đối với rừng phòng hộ, nếu rừng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ thì tiến hành lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, cá nhân như hộ gia đình, cộng đồng, hợp tác xã…
Đối với rừng tự nhiên kém chất lượng thì tiến hành áp dụng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung cây bản địa. Đối với rừng sản xuất, tăng cường thâm canh rừng trồng, trồng lại sau khi khai thác và trồng mới ở những nơi đất trống. Đối với diện tích nhỏ lẻ, phân tán thì tổ chức trồng cây phân tán nhằm tạo thành dải rừng liên tục phòng hộ dọc bờ biển. Việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có những hiệu quả nhất định. Hiệu quả trước mắt là tạo lập được hệ thống rừng ven biển bền vững, phát huy vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái của rừng, giảm thiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ những tác động của thiên tai, chống xói mòn, rửa trôi đất, điều tiết nguồn nước, xây dựng môi trường sinh thái ven biển ổn định phục vụ du lịch và các ngành khác phát triển.
Việc đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp vùng biển sẽ đáp ứng nhu cầu lao động, việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, hiệu quả của bảo vệ, phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn, mang tính bền vững, gắn liền với sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng, là cơ sở tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển. Phát triển lâm nghiệp ven biển sẽ ổn định được vùng cát, đất sản xuất, góp phần tích cực trong việc phân bố lại dân cư, ổn định đời sống cho nhân dân vùng cát ven biển.
Các mô hình kinh tế mới, các trang trại nông - lâm nghiệp trên vùng cát dự kiến thu hút được nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thông qua phát triển lâm nghiệp hàng năm sẽ huy động được hàng vạn ngày công lao động tham gia nghề rừng. Hình thành nên các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhòm hộ làm nghề rừng. Phát triển sản xuất nông- lâm kết hợp trên vùng cát sẽ thực sự trở thành hướng làm ăn hiệu quả của nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang là một thách thức lớn đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội của người dân vùng ven biển tỉnh Quảng Trị. Sự tác động của biến đổi khí hậu mà cụ thể là nước biển dâng, mặn xâm nhập, sa mạc hóa… đang có xu hướng làm thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp của người dân.
Vì vậy, việc đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn có vai trò vô cùng quan trọng, vừa tạo lập được hệ thống rừng ven biển bền vững, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vừa góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho một số bộ phận lao động ven biển. Nhiệm vụ quy hoạch giai đoạn 2016-2020 là quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn ven biển của tỉnh, gồm 1.588 ha rừng tự nhiên và 9.251 ha rừng trồng. Tổ chức trồng rừng trên diện tích quy hoạch trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, nâng cấp rừng trồng kém chất lượng, trồng cây phân tán, xây dựng hạ tầng dân sinh. Tầm nhìn đến năm 2030, tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích đã quy hoạch, tiếp tục đầu tư thực hiện một số hạng mục thiết yếu và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cũng như giúp người dân vùng biển hưởng lợi từ rừng”.
Trần Tuyền