Bài viết nhấn mạnh kết quả đạt được tại hội nghị là sự thỏa hiệp giữa ý muốn theo đuổi hệ thống thương mại đa phương trong kỷ nguyên số và chống chủ nghĩa bảo hộ, trong khi vẫn thừa nhận tầm quan trọng của các thỏa thuận thương mại song phương mà Mỹ đang thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Dẫn bài viết, phóng viên TTXVN tại Bangkok ngày 13/11 cho biết các thành viên APEC đã đề cao hệ thống thương mại đa phương và tự do hóa thương mại trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi lớn và Mỹ - một trong những nền kinh tế từng đi đầu trong chủ nghĩa tự do thương mại và đa phương - giờ đây đã thay đổi chính sách và tập trung vào các quan hệ song phương.
Bài viết nhấn mạnh tuyên bố chung của APEC nêu rõ các nhà lãnh đạo “tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm các hành động thương mại phi công bằng” trong khi “công nhận vai trò hợp pháp của các công cụ phòng vệ thương mại.”
Tuyên bố này là sự thỏa hiệp giữa đòi hỏi của Mỹ về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương và của đa số các thành viên khác của APEC, vốn ủng hộ một khuôn khổ thương mại đa phương làm cốt lõi cho quan hệ hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Ngoài ra, các thành viên còn lại tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã tổ chức một cuộc đàm phán bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và đã nhất trí thúc đẩy thỏa thuận này mà không cần có Mỹ, bằng cách “treo” 20 điểu khoản của thỏa thuận ban đầu.
Trước đó, trong cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước tham gia ký kết TPP do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các bộ trưởng đã nhất trí một số vấn đề quan trong, trong đó có việc đồng ý với tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các bộ trưởng cũng ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất những yếu tố cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của TPP, nhưng cho phép các các nước thành viên tạm hoãn một số các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của hiệp định./.