Nguyên nhân sâu xa của vụ việc xuất phát từ cuộc đấu tranh của người Palestine nhằm giành quyền được sống trên mảnh đất của dân tộc mình bị quân đội Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.
Vụ việc đó nay như được “đổ thêm dầu vào lửa” khi Mỹ quyết định chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem và chính thức khai trương vào đúng ngày 14/5.
Jerusalem được xem như nơi khởi nguồn của 3 tôn giáo lớn, gồm Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo với hàng loạt công trình lịch sử, nhưng từ lâu luôn là một trong những điểm nóng căng thẳng nhất trên thế giới.
Người Palestine cũng coi khu vực Đông Jerusalem, khu vực Israel đang kiểm soát, là thủ đô của mình. Quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay vẫn là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine.
Động thái di dời Sứ quán của Mỹ đến Jerusalem đang gây ra một "cơn địa chấn” chính trị-ngoại giao tại khu vực Trung Đông. Mặc khác quyết định đó của Nhà Trắng cũng đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt khi Mỹ đang giữ vai trò trung gian nhằm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Quyết định chuyển Sứ quán của Mỹ đến Jerusalem đã bị chính những đồng minh chủ chốt (Anh, Pháp) phản đối.
Trong khi đó, hàng tháng nay, người Palestin cũng biểu tình phản đối quyết định của Mỹ. Đặc biệt, Ngày 14/5, hàng chục nghìn người Palestine đã tổ chức cuộc tuần hành đến phía đông Dải Gaza và bị lực lượng an ninh và quân đội Israel tấn công.
Đây được xem là ngày đẫm máu nhất trong xung đột Palestine-Israel kể từ năm 2014.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố 3 ngày quốc tang; lên án mạnh mẽ Israel, đồng thời khẳng định “Mỹ đã không còn là một bên trung gian ở Trung Đông". Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cũng đã kêu gọi tiến hành biểu tình quy mô lớn khắp khu vực Bờ Tây và Dải Gaza trong ngày 15/5, để bày tỏ sự thương tiếc đối với những người bị sát hại.
Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng lên án mạnh mẽ việc quân đội Israel nổ súng vào người biểu tình Palestine gây thương vong lớn.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức chiến dịch trấn áp người Palestine tại Dải Gaza.
Chính quyền các nước Nam Phi, Syria, Jordan, Kuwait, Ai Cập... cũng lên án hành động sử dụng vũ lực tại Gaza của Israel, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tiêu cực từ hành động leo thang căng thẳng tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng./.
Tuyết Minh