Theo bài báo, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phản ánh mối quan hệ ngày càng mang tính chiến lược giữa hai quốc gia đang nổi lên ở Đông Nam Á. Bài báo cho biết Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno (Xu-các-nô) không chỉ có tình bạn khăng khít mà còn có chung tầm nhìn về tương lai thịnh vượng của hai nước. Cả Việt Nam và Indonesia đều bắt đầu hành trình xây dựng đất nước từ năm 1945, sau khi giành được tự do từ các nước thực dân sau những cuộc chiến đầy gian khó. Trong giai đoạn Indonesia gặp khó khăn năm 1965, Việt Nam đã cung cấp gạo để giúp đỡ Indonesia. Sau đó, chính Indonesia – đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Tướng Benny Moerdani (Bên-ni Mô-ê-đa-ni), Ngoại trưởng Mochtar Kusumaatmadja (Móc-ta Cu-xu-mát-ma-gia) và người kế nhiệm ông là Ali Alatas (A-li A-la-tát), đã đóng vai trò chính trong việc thuyết phục các nước ASEAN khác kết nạp Việt Nam và sau này đưa Việt Nam vào nhóm nòng cốt của ASEAN.
Kể từ sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/12/1955, quan hệ hữu nghị Indonesia-Việt Nam đã lớn mạnh rất nhanh. Nhìn chung, quan hệ hai nước là mối quan hệ hữu nghị đã đi vào truyền thống và không ngừng được các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước nuôi dưỡng. Cho đến nay, hai nước đã ký kết hơn 30 thỏa thuận bao trùm nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Indonesia đã đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới khi ký tuyên bố chung “Khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21” dưới thời Tổng thống Megawati Soekarnoputri (Mê-ga-oa-ti Xô-ê-ca-nô-pu-tri) năm 2003. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (Xu-xi-lô Bam-bang Yu-đô-yô-nô) đã tiếp nối truyền thống này khi nhất trí nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược vào năm 2011, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Indonesia. Đây là quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên mà Indonesia ký với một nước thành viên ASEAN. Tháng 6/2013, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được hiện thực hóa nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Indonesia.
Hai nền kinh tế Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm gần gũi. Hai nước có các sản phẩm giống nhau và cũng là đối thủ cạnh tranh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiếp cận thị trường. Hai nước cũng có tài nguyên thiên nhiên giống nhau, thị trường rộng lớn, tiêu thụ nội địa cao, dân số đông, nhu cầu hàng tiêu dùng cao và có đặc điểm địa lý tương đồng. Trong 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Indonesia tăng gấp 4 lần. Năm ngoái, giá trị thương mại song phương tăng lên mức cao kỷ lục 6,27 tỷ USD so với mức 1,6 tỷ USD trong năm 2006. Hai nước đặt mục tiêu đến năm 2018, giá trị thương mại song phương sẽ đạt mức 10 tỷ USD.
Trong lĩnh vực chính trị, hai nước chia sẻ nhiều quan điểm và duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Trên nền tảng này, bài báo kết luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng và các chuyến thăm song phương giữa lãnh đạo hai nước nói chung trong thời gian tới sẽ góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước và tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, góp phần định hình quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia./.
Theo TTXVN