Bài viết “Vietnams stiller Auftaktsieg über das Virus” (tạm dịch: Việt Nam yên lặng giành chiến thắng trước virus” của tác giả Till Fähnders đăng trong chuyên mục của FAZ về chiến lược chống dịch bệnh COVID-19.
|
Tác giả Till Fähnders. Ảnh: www.faz.net |
Ngay phần mở đầu bài báo viết “không giống như một số nước công nghiệp giàu có, đến nay Việt Nam đã có thể kiềm chế được dịch COVID-19”.
Tác giả bài viết nhắc lại bài hát đã trở thành hit trên Internet "Ghen Cô Vy", kêu gọi mọi người rửa tay thường xuyên ở gian đoạn đầu của dịch bệnh. Tuy nhiên, thời điểm đó Việt Nam lại ít nhận được sự chú ý khi đã sớm có những biện pháp quản lý dịch bệnh tương đối tốt.
Trong khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) được ca ngợi trong phòng chống dịch thì những phản ứng của Chính phủ Việt Nam trong công tác chống dịch lúc đó hầu như không được đánh giá đúng mức, dù đất nước này phải đối mặt với nhiều trở ngại như ngân sách ít hơn, mật độ dân số cao và hệ thống y tế còn những hạn chế.
Bài báo cho biết ngay ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, Việt Nam đã thực hiện đóng cửa các trường học, siết chặt biện pháp kiểm soát biên biên giới với Trung Quốc, cách ly những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và tìm kiếm những người đã tiếp xúc trực tiếp (F1) với người bệnh cho đến những người tiếp xúc với F1 (F2) và những người tiếp xúc với F2 (F3)...
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên, sau Trung Quốc, cách ly toàn bộ một cộng đồng khoảng 10.000 người do có nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở đây.
Về những biện pháp phòng ngừa này của Việt Nam, ông Poll Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard (Mỹ), cho rằng những ký ức về sự bùng nổ dịch hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS vẫn còn rất mới ở Việt Nam và đó là lý do Việt Nam ngay từ đầu đã rất quan tâm tới diễn biến dịch ở Trung Quốc.
Nhờ những biện pháp kịp thời, Việt Nam ban đầu chỉ ghi nhận 16 trường hợp nhiễm bệnh và ngày 25/2, Việt Nam đã tuyên bố tất cả các bệnh nhân đều đã được chữa khỏi và không có thêm trường hợp nhiễm mới trong khoảng 3 tuần.
Trong khi đó, chuyên gia Poll Pollack cho biết cuộc sống ở Hà Nội vẫn diễn ra bình thường ngoài một số hạn chế về tiếp xúc, mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang, giữa khoảng cách với nhau; các nhà hàng, quán bar... mới chỉ đóng cửa gần đây, trong khi các siêu thị và hiệu thuốc vẫn mở cửa bình thường.
Hiện con số trên 200 người dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là ít hơn đáng kể so với hầu hết các nước láng giềng và Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Giai đoạn bùng phát dịch lần thứ 2 bắt nguồn từ những người trở về từ châu Âu và những người này, trong đó có nhiều khách du lịch, lại mang virus tới nhiều vùng của đất nước. Trong khi đó, nhiều ca mới nhiễm cũng vừa được phát hiện ở một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước.
Khi virus SARS-CoV-2 trở lại, Việt Nam tiếp tục đã thắt chặt các biện pháp phòng ngừa, như cách ly trong 14 ngày với tất cả khách du lịch nhập cảnh.
Việt Nam cũng ngừng cấp thị thực, cấm nhập cảnh với du khách từ các nước châu Âu bị ảnh hưởng với dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, chỉ ra khỏi nhà nếu có việc cần thiết, như mua sắm hoặc đi làm từ 0h ngày 1/4/2020.
Một trong những lý do cho thành công đến nay của Việt Nam trong công tác chống dịch là huy động được sức mạnh của người dân thông qua các chiến dịch quần chúng, qua tin nhắn và tuyên truyền. Bên cạnh đó còn có một ứng dụng trên điện thoại thông minh để mọi người dân khai báo tình trạng sức khỏe của họ và việc khai báo không chính xác có thể bị phạt.
Việt Nam cũng mạnh tay đối phó với nạn lan truyền của tin tức giả về virus SARS-CoV-2 và đến nay, khoảng 800 người vi phạm đã bị phạt theo quy định. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng cho phép huy động nhanh chóng lực lượng nhân viên y tế và quân đội tham gia chống dịch. Các y bác sĩ và y tá tận tình với công việc, trong khi những người lính nhường nơi sinh hoạt của họ để làm khu vực cách ly.
Đặc biệt, khác với những nơi khác, hầu như không có sự nghi ngờ gì về số người nhiễm COVID-19 chính thức tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo bài báo, không phải vô cớ mà các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố cuộc chiến thực sự chỉ mới bắt đầu. Chuyên gia Đại học Y Harvard Pollack nhận thấy những khó khăn phía trước mà Việt Nam sẽ phải đối mặt nếu số người nhiễm, người thuộc diện cách ly và cần được xét nghiệm tiếp tục tăng lên./.
BT (bản dịch của TTXVN)