Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, báo chí Lào ngày 25/6 đã đồng loạt đưa tin về Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21 và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, và sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith tại các hội nghị.
Theo báo chí Lào, tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về tình hình khu vực và thế giới, đặc biệt là các nỗ lực và biện pháp nhằm đối phó với sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thông qua khuôn khổ hợp tác giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại và đối tác bên ngoài.
Hội nghị cũng xem xét đề nghị của các nước muốn tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) - một hiệp ước do ASEAN khởi xướng năm 1976, trong đó có những đề xuất muốn trở thành đối tác chính thức của ASEAN.
Theo báo chí Lào, điều này đã thể hiện vai trò lãnh đạo và đóng góp quan trọng của ASEAN trong gìn giữ hòa bình, an ninh và trật tự ở khu vực cũng như trên thế giới.
Tại Hội nghị Hội đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21 (AIPA), các bộ trưởng đánh giá cao tiến triển trong việc tổ chức thực hiện những công việc trong Kế hoạch tổng thể Hội đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, đặc biệt là việc thúc đẩy và bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong khu vực ASEAN.
Hội nghị đã khuyến khích các ngành trong trụ cột Hội đồng Chính trị-An ninh tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm tổ chức thực hiện những việc còn tồn tại để hoàn thành các công việc này theo kế hoạch đề ra.
[ASEAN 2020: Vai trò gắn kết khu vực trong đại dịch của Việt Nam]
Đặc biệt, hội nghị đã nghe dự thảo báo cáo sơ bộ về đánh giá giữa kỳ việc tổ chức thực hiện Kế hoạch Tổng thể Hội đồng Chính trị-An ninh năm 2025 và giao cho các bên liên quan tiếp tục hoàn thành thực hiện đánh giá này theo kế hoạch.
Theo báo chí Lào, Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 26 đã ghi nhận những tiến triển và đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Hội nghị đã tập trung chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 26/6.
Hội nghị cũng thông qua các tài liệu và báo cáo khác nhau như Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về việc tổ chức thực hiện công việc của ASEAN; Báo cáo của Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN; Báo cáo của Ủy ban chuyên trách Sáng kiến liên kết ASEAN; Báo cáo của Ủy ban điều phối kết nối ASEAN…
Tất cả báo cáo này sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. Cuộc họp cũng đặc biệt lưu lý tiến trình tổ chức triển khai kết quả cuộc họp Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch COVID-19 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 14/4 vừa qua, đặc biệt là tiến độ việc thành lập quỹ khẩn cấp và kho dự phòng khẩn cấp các thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh để phòng chống và đối phó với sự lây lan của COVID-19 cũng như tiến độ lập dự thảo Kế hoạch khôi phục kinh tế toàn diện sau đại dịch COVID-19.
Theo báo chí Lào, hội nghị cũng nhất trí thông qua việc ông Robert Matheus Michael Tene, người Indonesia làm Phó Tổng thư ký ASEAN, phụ trách về vấn đề Chính trị-An ninh của ASEAN từ năm 2021-2024.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong những ngày qua, nhiều tờ báo lớn tại Malaysia đã đăng tải các bài viết về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 cũng như các hoạt động khác của khối dưới sự chủ trì của Việt Nam, chủ tịch ASEAN 2020.
Tờ New Straits Times, một trong những tờ báo hàng đầu tại Malaysia, đưa tin, sau gần hai tháng bị trì hoãn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 26/6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ chủ trì một loạt phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), cũng như với đại diện thanh niên và Hội đồng cố vấn kinh doanh ASEAN.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chủ trì phiên khai mạc, phiên toàn thể và các phiên họp đặc biệt về nội dung tăng cường vai trò của phụ nữ trong thời đại kỹ thuật số.
Trong bài viết ngày 25/6 về vai trò của phụ nữ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN, tờ Malaymal đã đánh giá cao những nỗ lực mà Việt Nam thể hiện trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại khu vực.
Tờ báo khẳng định, chủ đề “Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được Việt Nam đưa ra với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 là một lời kêu gọi rất thích đáng đối với khu vực trong phản ứng tập thể của khối đối với dịch bệnh này.
Tờ báo nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Thái Lan hồi tháng 11/2019 rằng “Việt Nam muốn tập trung vào củng cố đoàn kết và nhất trí, kết nối kinh tế, tăng cường các giá trị và sự đồng nhất trong cộng đồng ASEAN” và coi đây là những ưu tiên hàng đầu.
Tờ báo nhấn mạnh, đoàn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN và giữa người dân ASEAN với nhau là con đường duy nhất giúp khu vực thoát ra khỏi đại dịch. Tờ báo cho rằng, tại hội nghị cấp cao của ASEAN trong ngày 26/6, chủ đề này cần được các nhà lãnh đạo khu vực quan tâm.
Tờ The Star cũng dành sự quan tâm đối với các hội nghị của ASEAN do Việt Nam chủ trì. Nổi bật trên chuyên mục ASEAN+ của tờ báo ngày 25/6 là bài viết với tựa đề “ASEAN cần tích cực hơn trong việc đối phó với các thách thức.”
Bài viết trích dẫn những kết quả của hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21 do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chủ trì.
Bên cạnh đó, báo cũng dẫn lại các phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong đó nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN cần phải củng cố hơn nữa tình đoàn kết và gắn kết trong khối, tích cực hơn nữa trong việc đối phó với các thách thức của khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu./.
Phạm Kiên-Hoàng Nhương (TTXVN/Vietnam+)