Trong thời đại Công nghiệp 4.0, thế giới đã dùng thuật ngữ "frenemy" (friend-enemy) – vừa là bạn, vừa là thù - để chỉ mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội.
Bên cạnh những lợi ích, sự phát triển sôi động của mạng xã hội đang là một thách thức lớn đối với báo chí. Để không bị mạng xã hội “vượt mặt,” các cơ quan báo chí phải tìm cách tồn tại trong kỷ nguyên kỹ thuật số bằng nhiều cách khác nhau.
Mới đây, Hiệp hội các nhà cung cấp tin tức trực tuyến Thái Lan (SONP) đã tổ chức hội thảo "Sự sống còn của các đơn vị cung cấp tin tức trực tuyến trong bối cảnh thế giới đang đổi thay." Ở đó, đại diện các cơ quan báo chí truyền thông ở khu vực Đông Nam Á đã cùng ngồi lại để chia sẻ những khó khăn và tìm giải pháp để thúc đẩy kinh tế báo chí và “níu chân” độc giả.
Báo chí chật vật tìm nguồn thu
Theo nghiên cứu của ông Chavarong Limpattamapanee, thành viên sáng lập Hiệp hội các nhà cung cấp tin tức trực tuyến Thái Lan (SONP), những năm 2000, các website tin tức chỉ là một phiên bản của các tờ báo in, được xây dựng để làm thương hiệu cho các cơ quan truyền thông chính thống.
Ông Chavarong Limpattamapanee, thành viên sáng lập Hiệp hội các nhà cung cấp tin tức trực tuyến Thái Lan (giữa) tại hội thảo tìm giải pháp phát triển cho các nhà cung cấp tin tức trực tuyến diễn ra ngày 12/6 tại Thái Lan. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nội dung trực tuyến bắt đầu trở thành một nguồn thu nhập bổ sung quan trọng đối với các cơ quan báo chí từ năm 2008 đến năm 2013. Kể từ đây, mô hình kinh doanh truyền thông được phát triển bằng việc sử dụng công nghệ, chẳng hạn như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), để thu hút nhiều độc giả trực tuyến hơn.
Đến năm 2014, truyền thông mạng xã hội phát triển hơn, tin giả cũng lan truyền nhanh và phổ biến hơn. Trong khi đó, báo chí cũng phải chia sẻ nguồn thu quảng cáo với các kênh mạng xã hội. Do đó, các phương tiện truyền thông chính thống hiện đang chật vật tìm cách tồn tại và phát triển, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu SONP thu thập được, các cơ quan báo chí đã sụt giảm 50-70% doanh thu giai đoạn COVID-19.
Tiến sỹ Adek Media Roza, Giám đốc trung tâm nghiên cứu thị trường và dữ liệu Katadata (Indonesia) cho rằng bối cảnh truyền thông ở Đông Nam Á đang có sự hòa quyện của những thách thức và cơ hội do sự phát triển của mạng xã hội.
[Báo chí châu Á nêu bật "chìa khóa" giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng]
Theo ông Adek nhận xét, các cơ quan báo chí trong khu vực đang có xu hướng trực quan hóa tin tức, nghĩa là sản xuất các bản tin đa phương tiện và đăng tải các sản phẩm lên mạng xã hội để thu hút độc giả hơn.
Biên tập viên của Vientiane Times (Lào), Somsack Pongkhao đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng COVID-19 đã khiến các cơ quan báo chí phải thay đổi cách vận hành.
“Chúng tôi gặp khó khăn về tài chính bởi Vientiane Times phải tự tìm nguồn thu, không nhận được ngân sách từ Chính phủ. COVID-19 khiến nền kinh tế gặp khó dẫn đến việc báo chí cũng phải xoay sở, tìm cách đa dạng hóa mô hình kinh doanh để có thể tồn tại,” ông Somsack chia sẻ.
Theo ông Somsack, hiện nay có 50% dân số Lào có sử dụng mạng xã hội. Giai đoạn dịch COVID-19 khiến người dân có xu hướng thay đổi thói quen đọc tin tức, theo đó, độc giả không còn "mặn mà" với báo in mà chuyển sang đọc báo điện tử. Thực tế này khiến cho một số cơ quan báo chí phải giảm hoặc dừng các sản phẩm báo in.
Sáng tạo để tồn tại
Chia sẻ tại hội thảo, tìm cách gỡ khó về tài chính cho các cơ quan báo chí Đông Nam Á, nhà báo Đỗ Minh Thu, thay mặt Ban Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus-TTXVN, đã tham dự và chia sẻ về những chiến lược thông tin để báo có thể tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, có nguồn thu và vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ là báo điện tử đối ngoại của Chính phủ.
“Báo Điện tử VietnamPlus có tuổi đời 15, nghĩa là ra đời sau nhiều tờ báo điện tử khác ở Việt Nam. Do đó, ngay từ đầu, lãnh đạo báo xác định rằng nội dung chính thống, sáng tạo và có bản quyền là ‘chìa khóa’ để tồn tại và cạnh tranh,” nhà báo Đỗ Minh Thu chia sẻ.
Sản phẩm RapNewsPlus. (Ảnh: Vietnam+)
Tại hội thảo, đại diện Báo Điện tử VietnamPlus đã giới thiệu một số sản phẩm thông tin độc đáo, hấp dẫn độc giả, từng giành được nhiều giải thưởng quốc tế là News Game (đọc tin tức thông qua trò chơi), RapNewsPlus (trình bày những bản tin bằng rap) và nội dung chất lượng cao có thu phí.
Cách làm sáng tạo của VietnamPlus đã thu hút sự quan tâm của các đơn vị báo chí trong khu vực. Kênh truyền hình Thái Lan ThaiPBS ngay sau đó cũng đã có cuộc phỏng vấn riêng để tìm hiểu thêm về cách đưa tin mới lạ, hấp dẫn của Báo Điện tử VietnamPlus.
Rosette Santillan Adel, biên tập viên của Philstar.com (Philippines) tỏ ra ấn tượng trước các phương thức sáng tạo của VietnamPlus, bởi đơn vị này cũng đang tiến hành trực quan hóa các sản phẩm thông tin, tập trung vào sản xuất nội dung ngắn để phù hợp thói quen của bạn đọc ngày nay.
“Tôi cho rằng các sản phẩm sáng tạo của VietnamPlus sẽ hoạt động hiệu quả trong việc thu hút giới trẻ. Đó là mô hình hay để các cơ quan báo chí trong khu vực thử nghiệm. Tôi tin rằng cách làm của các bạn sẽ rất thành công trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hành vi của người dùng Internet đang thay đổi,” bà Rosette Santillan Adel cho hay.
Ông Adek Media Roza đồng tình với quan điểm này và khẳng định truyền thông Việt Nam đang thích ứng rất nhanh với sự thay đổi của thời đại kỹ thuật số.
“Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế nhờ lực lượng lao động trẻ và năng động, môi trường đầu tư thuận lợi và đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng. Các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam phản ánh sống động sự phát triển đó,” ông Adek nói.
Chia sẻ về hoạt động của Katadata, ông Adek cho hay đơn vị này đã mạo hiểm vượt ra ngoài cách vận hành truyền thống để tạo thêm doanh thu.
“Chúng tôi nhận thấy rằng việc bán tin tức có thể không mang lại lợi nhuận, do đó, Katadata đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình bằng cách mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thu thập dữ liệu và tổ chức sự kiện, đóng góp đáng kể vào nguồn doanh thu chung của chúng tôi,” ông Adek chia sẻ.
Tiến sỹ Adek khẳng định rằng trong một thế giới đang thay đổi không ngừng, truyền thông buộc phải sáng tạo, đổi mới để thích nghi và phát triển. Đó là xu hướng không thể đảo ngược./.
PV (Vietnam+)