Ngày 24/4, ông Mohammed Shahabuddin đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Bangladesh, chỉ vài tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử của nước này diễn ra.
Theo Phủ Tổng thống Bangladesh, ông Shahabuddin, 73 tuổi, từng là thẩm phán và thành viên ủy ban chống tham nhũng quốc gia. Ông đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập cho Bangladesh vào năm 1971.
Thư ký Tổng thống Shampad Barua nêu rõ ông Shahabuddin đã tuyên thệ trở thành vị Tổng thống thứ 22 của Bangladesh.
Vào tháng 2, các nghị sỹ Bangladesh đã bầu chọn ông Shahabuddin làm Tổng thống nước này, sau khi đảng Liên đoàn Awami cầm quyền chọn ông làm ứng viên.
Ông Shahabuddin sẽ kế nhiệm ông Abdul Hamid - người đã nắm giữ vị trí Tổng thống Bangladesh trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Dự kiến cuộc tổng tuyển cử của Bangladesh sẽ diễn ra vào tháng 1/2024.
Hồi tháng 1/2023, những đám đông lớn đã tràn xuống đường phố thủ đô Dhaka của Bangladesh để yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh người dân nước này ngày càng bất bình về giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.
[Bangladesh đề nghị IMF hỗ trợ ngăn chặn khủng hoảng tài chính]
Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) và các đồng minh đối lập khác đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Dhaka và 9 thành phố trên cả nước. Các cuộc biểu tình khác trong những tháng gần đây đây đôi khi bị cảnh sát dùng bạo lực dập tắt.
Lãnh đạo cấp cao của BNP Mirza Abbas cho rằng “thời gian để nắm quyền bằng vũ lực đã qua. Hãy để một chính phủ trung lập tổ chức một cuộc bầu cử.” Ông Abbas mới được phóng thích khỏi nhà tù hôm 9/1, một tháng sau cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động đối lập.
ảnh sát ước tính có tới 50.000 người tham gia cuộc biểu tình do ông Abbas phát động. Tuy nhiên, các quan chức BNP tuyên bố hàng trăm nghìn người đã xuống đường chỉ tính riêng ở thủ đô Dhaka và hàng nghìn người khác biểu tình trên khắp cả nước.
Bangladesh là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, nhưng chi phí lương thực và nhiên liệu toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đã buộc chính phủ của Thủ tướng Hasina hồi năm ngoái phải thực hiện các đợt cắt điện kéo dài và mở rộng phân phát lương thực cho người nghèo.
Đồng taka của Bangladesh đã mất giá tới 25%, làm tăng chi phí nhập khẩu thực phẩm, khiến cuộc sống của những công dân nghèo nhất của đất nước trở nên khó khăn hơn./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)