Ban Văn hóa- Xã hội, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc với Chi cục Dân số-KHHGD tỉnh và Sở Tư pháp 

(QT) - Ngày 18/7/2017, Ban Văn hóa- Xã hội- HĐND tỉnh có buổi làm việc với Chi cục Dân số-KHHGD tỉnh nghe báo cáo kết quả hoạt động của Chi cục trong 6 tháng đầu năm và thẩm tra Đề án “Chính sách Dân số-KHHGĐ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Văn hóa -Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 

 Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: P.A

 Báo cáo của Chi cục Dân sốKHHGĐ tỉnh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017 Chi cục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 424/2017 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo một số vấn đề cấp bách về công tác DS-KHHGĐ; tham mưu, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ phụ nữ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ.

Tổ chức truyền thông lồng ghép khám chữa bệnh thông thường cho phụ nữ vùng biển huyện Hải Lăng; xây dựng Đề án “Chính sách Dân số-KHHGĐ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cùng với việc kiện toàn công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ (đợt 1) tại 70 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn đông dân cư, có mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.

Công tác truyền thông, giáo dục; hoạt động xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ và tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai cũng được đẩy mạnh.  Bên cạnh đó tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình, đề án cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số… Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế đã báo cáo tình hình thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ giai đoạn 20102016 và nội dung Đề án “Chính sách Dân số-KHHGĐ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của đề án là tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý. Giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, đặc biệt giảm thiểu tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần…

Tại buổi làm việc, đa số các đại biểu cho rằng việc xây dựng đề án là cần thiết, đáp ứng yêu cầu giai đoạn hiện nay; đồng tình với nội dung, kết cấu đề án. Tuy nhiên một số đại biểu băn khoăn có nên đặt ra chỉ tiêu giảm mức sinh trong lúc nhà nước nới lỏng mức sinh?

 Đối với các huyện miền núi, vùng khó khăn giải pháp để hạn chế mức sinh là gì? Chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình làng không sinh con thứ 3 trở lên?

Vấn đề dân số già hóa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như thế nào? Việc sàng lọc trước khi sinh có liên quan tới mất cân bằng giới tính không?

Lãnh đạo Sở Y tế lần lượt trả lời, làm rõ những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Truởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóaXã hội, HĐND tỉnh nêu rõ: Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh về chính sách Dân số-KHHGĐ đã tạo được những chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân số-KHHGĐ; bộ máy làm công tác dân số được củng cố kiện toàn; công tác truyền thông, giáo dục, tuyên truyền được đẩy mạnh; mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.

Trung ương và tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cho công tác dân số nên đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy vậy việc thực hiện công tác dân số vẫn còn một số hạn chế như: Mức sinh cao, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số của tỉnh còn thấp, tuổi thọ của người Quảng Trị thấp hơn mức bình quân cả nước, nguồn lực đầu tư cho công tác Dân số-KHHGĐ bị cắt giảm…

Đó là những thách thức đặt ra cần được quan tâm giải quyết. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo đề án chọn lọc, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh nội dung trước khi trình ra kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới; đảm bảo Đề án “Chính sách Dân số- KHHGĐ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đi vào cuộc sống, đạt được những kết quả tích cực…

Ngày 18/7/2017, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh có buổi giám sát tại Sở Tư pháp về chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo dự thảo Đề án mức chi đảm bảo kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.  Ảnh: Lâm Thanh

 

6 tháng đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định 27 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Trung ương và địa phương gửi đến; kiểm tra 18 văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành; trình UBND tỉnh công bố 483 thủ tục hành chính.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực; giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân trên lĩnh vực hành chính tư pháp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng được quan tâm, đảm bảo tính kịp thời, nghiêm minh của pháp luật. Thời gian qua, ngành tư pháp tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đơn vị liên quan trong giải quyết những nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Trao đổi với đoàn giám sát Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Tư pháp đã báo cáo những khó khăn, hạn chế, nhiệm vụ giải pháp thực hiện công tác tư pháp những tháng cuối năm 2017.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng theo đúng pháp luật để phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp; bố trí kinh phí để đơn vị thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính và quan tâm bổ sung biên chế, đầu tư cho đơn vị một số máy móc, trang thiết bị văn phòng…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Cầu, Trưởng ban Pháp chế - HĐND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp trong thời gian tới đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở.

Hiện công tác hòa giải cơ sở còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, do đó ngành tư pháp cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho cơ sở.

Về kiến nghị đề xuất của Sở Tư pháp, đoàn giám sát Ban Pháp chế - HĐND tỉnh ghi nhận và sẽ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, giải quyết. Đối với những nội dung dự thảo đề án về quy định mức chi bảo đảm cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, đồng chí thống nhất cao và sẽ tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra để trình HĐND tỉnh tại kỳ hợp thứ V.

 

PA- Lâm Thanh

 

 
638 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 675
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 675
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77416922