BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC 

06 tháng đầu năm 2021, bên cạnh tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai năm 2020, đồng thời, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định đời sống của Nhân dân, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh .

Trong 06 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 30 phiên họp bàn và cho chủ trương về các vấn đề kinh tế - xã hội và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền, trong đó có nhiều phiên làm việc bàn chuyên sâu về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hút đầu tư, vận động và làm việc với nhiều nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn T&T, Vingroup, FLC, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP – Amata-Sumitomo...

Nhằm giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo các dự án, công trình trọng điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án động lực cấp tỉnh tỉnh[1]. Theo đó, Ban chỉ đạo có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương, chỉ đạo thực hiện những nội dung, các dự án quan trọng, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trực tiếp chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh và các dự án động lực, quan trọng của tỉnh theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo đã triển khai thực hiện nhiệm vụ, đã tổ chức nhiều phiên làm việc chuyên sâu về các dự án trọng điểm trên lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và công tác quy hoạch tỉnh; ban hành được nhiều văn bản chỉ đạo đối với các lĩnh vực này.

Vừa tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các công trình, dự án, Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đã tích cực làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Đã có nhiều chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các công trình, dự án trọng điểm cho tỉnh Quảng Trị, như: Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được chọn tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Quảng Trị; triển khai dự án cảng hàng không Quảng Trị… Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp túc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phát triển trong thời gian tới. Để triển khai có hiệu quả các chủ trương này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục có liên quan theo quy định; đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công các dự án đã được cho ý kiến.

Từ việc xác định và chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; sự cố gắng nỗ lực đồng bộ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 06 tháng đầu năm đã có nhiều điểm sáng: Nhiều chỉ số phát triển kinh tế  tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 10.127,6 tỷ đồng, tăng 6,10% so với cùng kỳ năm trước[2]. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.646 tỷ đồng, bằng 76,7% dự toán địa phương và 92,5% dự toán Trung ương, tăng 72,9% so với cùng kỳ. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính đạt 2.393,9 tỷ đồng, tăng 4,69%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính đạt 2.437,1 tỷ đồng, tăng 9,23%; khu vực dịch vụ ước tính đạt 4.888,2 tỷ đồng, tăng 5,16%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính đạt 408,4 tỷ đồng, tăng 7,71%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 9.253,91 tỷ đồng, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đạt được nhiều kết quả, năng suất hầu hết các loại cây trồng đạt cao, đặc biệt năng suất lúa đạt 61 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay; tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm. Sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực, ổn định hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9,15% Công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; 06 tháng đầu năm có 26 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 8.884 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án lớn do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 7.532 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, tài nguyên, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phù hợp, khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn; hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo tiến độ, đúng đối tượng quy định. Đời sống của người dân tiếp tục được ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng mức tăng còn thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng được18,64%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,68% so với cùng kỳ và đạt 44,4% kế hoạch. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19; nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động cầm chừng, thậm chí phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận người lao động mất việc làm, đời sống khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng một số địa phương, đơn vị vẫn còn chậm; nhiều công trình, dự án chậm tiến độ như dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, Nhà máy Nhiệt điện BOT 1, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn T&T, FLC…; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp (06 tháng chỉ đạt khoảng 25%). Tình hình tai nạn giao thông và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, tăng cả 03 tiêu chí, cụ thể: Toàn tỉnh xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 83 người; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng 51,43% (+36 vụ), số người chết tăng 64,1% (+25 người), số người bị thương tăng 69,39% (+34 người).

Nhiệm vụ đặt ra cho 06 tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục bám sát Kết luận số 05-KL/TU, ngày 03/12/2020 của Tỉnh ủy và tình hình thực tế của tỉnh để có kịch bản tăng trưởng sát hợp, kèm theo đó là có các giải pháp quyết liệt để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021. Thanh Lan

 

[1] Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 214-QĐ/TU, ngày 19/3/2021 thành lập Ban chỉ đạo các dự án động  lực

[2] Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính đạt 2.393,9 tỷ đồng, tăng 4,69%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính đạt 2.437,1 tỷ đồng, tăng 9,23%; khu vực dịch vụ ước tính đạt 4.888,2 tỷ đồng, tăng 5,16%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính đạt 408,4 tỷ đồng, tăng 7,71%

441 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 787
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 787
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015503