|
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận cuộc họp
|
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 316 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 68.000 tỷ đồng, trong đó có 208 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn trên 42.000 tỷ đồng; 93 dự án đang triển khai thực hiện với tổng số vốn trên 20.000 tỷ đồng; 17 dự án chưa triển khai thực hiện với tổng số vốn trên 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra có 20 dự án đang tiến hành thủ tục, tiếp cận hồ sơ với tổng số vốn đăng ký dự kiến trên 82.500 tỷ đồng. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 1.900 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay có 14 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 46,6 tỷ đồng. Trong đó có 12 dự án hoạt động ổn định với tổng số vốn đầu tư 37,9 tỷ đồng. Về tình hình phát triển doanh nghiệp (DN), đến hết quý 1/2017, toàn tỉnh có 3.182 DN với tổng số vốn đăng ký kinh doanh trên 17.000 tỷ đồng.
Năm 2016 có 1.950 DN kinh doanh có lãi, tổng mức đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 517 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, nhất là chưa thu hút được nhiều dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao; nhiều dự án triển khai chậm tiến độ do năng lực nhà đầu tư, do khó khăn trong công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; công tác quy hoạch, quản lý đất đai phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp chưa được chú trọng…
Về tình hình quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản, đến nay tỉnh đã quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn đến năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 - 2030. Trên địa bàn hiện nay có 25 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 19 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Lĩnh vực này có những hạn chế cơ bản là trách nhiệm quản lý của một số ngành, địa phương còn chưa cao, chưa hiệu quả; số lượng dự án chế biến khoáng sản sâu chưa nhiều, hàm lượng công nghệ thấp; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra; các doanh nghiệp thường khai thác vượt công suất cho phép và chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường sinh thái…
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề như công tác thẩm định kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; nguyên nhân khiến các dự án, nhất là một số dự án được cấp chủ trương đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2016 chậm triển khai, gặp nhiều vướng mắc; định hướng đầu tư, phát triển của Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; việc thu hồi giấy phép đầu tư đối với những dự án hết thời hạn đầu tư theo quy định.
Những giải pháp để khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; việc tổ chức khai thác khoáng sản ở những nơi ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, sinh hoạt của nhân dân và tác động lớn đến môi trường sinh thái; rà soát, đánh giá lại thực trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn và đóng góp của lĩnh vực này đối với phát triển kinh tế - xã hội cùng một số nội dung liên quan khác.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh thời gian qua và khẳng định đây chính là sự nỗ lực, sáng tạo rất lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân địa phương trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đồng chí cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như việc thẩm tra một số dự án còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả; trong thu hút đầu tư chưa chú trọng đến khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh và lĩnh vực nông nghiệp; chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, công tác xúc tiến đầu tư phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và phải có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng tìm kiếm được những nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường sinh thái. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, DN. Phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư, các đối tác sớm xây dựng Cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Quảng Trị.
Quan tâm thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng cần có giải pháp hiệu quả để khắc phục ngay tình trạng một số nhà đầu tư giữ đất trong khi năng lực hạn chế, chậm triển khai dự án và tình trạng chuyển đổi, chuyển nhượng dự án; kiên quyết xử lý về mặt pháp lý đối với những dự án hết thời hạn đầu tư, không có năng lực đầu tư; tiến hành tổng rà soát đất đai ở khu công nghiệp, khu du lịch biển…
Về công tác quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho rằng lĩnh vực này còn có hạn chế, bất cập và sử dụng lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt. UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại toàn bộ các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp, kiên quyết không gia hạn đối với các giấy phép đã hết hạn…
H.N