|
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Thành Dũng
|
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã nghe Sở VH-TT&DL, Công ty tư vấn báo cáo Đề án xây dựng Công viên Thống Nhất tại Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải. Đây là công trình có giá trị biểu tượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đồng thời là điểm tham quan du lịch, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm sinh hoạt cộng đồng trong các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm. Về xây dựng Công viên Thống Nhất, đơn vị tư vấn đề xuất giải pháp mở rộng về phía Đông Bắc, với các hạng mục dự kiến trong quy hoạch gồm: bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, khu dịch vụ ẩm thực.
Bên cạnh đó mở rộng di tích về phía Tây, vùng tiếp giáp giữa 2 dòng sông Bến Hải và sông Sa Lung thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, với diện tích 22,5 ha. Khu vực này có các hạng mục dự kiến trong quy hoạch, gồm: Bến thuyền, Nhà văn bia, Tháp Hòa bình (cao 21 m), không gian tái hiện khu DMZ, khu vực cắm trại dã ngoại; đồi vọng cảnh. Ngoài ra còn mở rộng và chỉnh trang bờ Nam với các công trình như: trại lính, cột cờ bờ Nam, sân lễ hội, lâm viên, hệ thống chòi nghỉ, dừng chân. Khái toán tổng kinh phí đầu tư 144,3 tỉ đồng.
Một số ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho rằng đây là công viên mang tính đặc thù; quy mô khoảng 50 ha, ngoài diện tích hiện có, mở rộng thêm 30 ha. Công viên cần có sức hút vì thế phải xây dựng các hạng mục công trình cần thiết. Vị trí, chiều cao Tượng đài Chiến sĩ Công an vũ trang cần xây dựng hài hòa với các công trình chung. Có ý kiến cho rằng kinh phí xây dựng công viên lớn, trong lúc nguồn lực của tỉnh có hạn, vì thế cần đầu tư nâng cấp các hạng mục cần thiết nhưng không làm thay đổi hiện trạng di tích.
Kết luận về dự án này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Đơn vị tư vấn đã đưa ra một số ý tưởng về Công viên Thống Nhất. Cần tiếp tục nghiên cứu để khi có điều kiện tổ chức thẩm định, đầu tư xây dựng. Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi 3 đơn vị hỗ trợ xây dựng các hạng mục trong khu di tích là: Trung ương Đoàn TNCSHCM, thành phố Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý giao Trung ương Đoàn thực hiện nâng cấp khu vực phía bờ Bắc với các hạng mục: cây xanh, trồng lại 2 hàng dừa phía ngoài di tích, nâng cấp bến đua thuyền, nâng cấp đường đi dạo, đặt thêm ghế đá. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thi công Tượng đài Chiến sĩ Công an vũ trang, đảm bảo hài hòa với kiến trúc, cảnh quan xung quanh. Ở bờ Nam giao thành phố Hải Phòng làm hệ thống kè bờ Nam chống xói lở, xây dựng lâm viên…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng giao Sở VH-TT&DL chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế các hạng mục đã được thống nhất. UBND tỉnh thông báo cho các đơn vị liên quan biết để thực hiện các hạng mục, công trình đầu tư. Chọn 1 ngày làm lễ khởi động dự án chung của 3 đơn vị trong thời gian từ ngày 20-27/72017.
* Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe lãnh đạo Sở GT-VT báo cáo một số công trình giao thông vận tải trọng điểm trên địa bàn.
Trong đó có đường tránh phía Đông TP. Đông Hà với tổng chiều dài 25,3km, tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng. Dự án được Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, vì thế cần đặt trạm thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư… Các đại biểu cho rằng việc xây dựng đường tránh là rất cần thiết, mang lại lợi ích về nhiều mặt.
Nhưng cũng băn khoăn vì có 2 trạm thu phí trên cùng địa bàn huyện Triệu Phong. Làm thế nào bảo đảm quyền lợi hài hòa của người dân và nhà đầu tư. Có ý kiến đề nghị cần làm rõ ảnh hưởng của dự án đến việc thu hồi đất, giải tỏa, tái định cư…
Kết luận về dự án này, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng việc đề xuất đường tránh Đông Hà phù hợp với Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh; được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ. Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà mang lại lợi ích về nhiều mặt nhưng cũng có ý kiến băn khoăn vì thế cần tăng cường tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu rõ và ủng hộ; tăng cường lãnh đạo, xử lý những khó khăn, vướng mắc.
Đề nghị UBND tỉnh lập dự án trình cấp trên hạn chế thu hồi đất, nhà cửa, vật kiến trúc của người dân. Tính toán đặt trạm thu phí cho phù hợp. Tăng cường công tác quản lý đất đai dọc tuyến đường này để tránh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không có lợi cho nhà nước và người dân.
Tiếp đó, Sở GT-VT Quảng Trị trình bày báo cáo dự án: Cầu kết nối khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm thành phố Đông Hà. Sở đã đưa ra 3 phương án để lựa chọn. Phương án 1: Cầu vòm ống thép nhồi bê tông 3 nhịp, giá trị xây dựng 301 tỉ đồng. Phương án 2: Cầu vòm thép 3 nhịp, kinh phí 299 tỉ đồng.
Phương án 3: Cầu dây văng 2 nhịp (dựa trên ý tưởng búp sen), kinh phí xây dựng hơn 316 tỉ đồng.
Qua thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chọn phương án thiết kế đẹp, có giá trị kỹ thuật, thẩm mỹ, có điểm nhấn để lựa chọn xây dựng.
PV