Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc về một số dự án văn hóa trên địa bàn tỉnh 

Ngày 6/3/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức buổi làm việc do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì để nghe UBND tỉnh báo cáo xây dựng Đề án Festival “Vì hòa bình”; Dự án “Công viên Thống nhất”, “Cung đường Hòa bình” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; phương án đầu tư Dự án “Bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn” giai đoạn 2 và Kế hoạch kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và các đơn vị tư vấn.

Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc thẩm quyền quy hoạch và phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ theo Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, ngày 25/12/2018 của Chính phủ. Việc xây dựng quy hoạch Công viên Thống Nhất đã thực hiện 02 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư nâng cấp một số hạng mục công trình Khu di tích phía bờ Bắc, gồm: Hạng mục trồng cây xanh; bến đua thuyền; chỉnh trang lối đi bộ; hệ thống chiếu sáng Khu di tích phía bờ Bắc và cầu Hiền Lương cũ. Giai đoạn 2, phạm vi lập quy hoạch di tích là 104,96 ha, gồm Khu vực bảo vệ di tích và Khu vực mở rộng chức năng công viên văn hóa, nghỉ dưỡng thuộc các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh và xã Trung Hải huyện Gio Linh.

Về Đề án xây dựng “Cung đường Hòa bình” tại di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, đơn vị tư vấn đã xây dựng sản phẩm theo quan điểm phải bài bản, quy mô, có giá trị tương xứng với Khu di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; đưa ra 02 phương án khác nhau để so sánh, tùy điều kiện có phân kỳ đầu tư, không lệ thuộc vào điều kiện kinh phí, thời gian hiện tại mà giới hạn ý tưởng, giá trị sản phẩm. Cung đường Hòa bình được xác định nằm trong tổng thể Đề án xây dựng Festival Vì Hòa Bình; trong đó, đặt biểu tượng Khuê Văn Các và Bến Nhà Rồng tại Công viên Thống nhất và trồng cây tại Cung đường Hòa bình. Trên cơ sở báo cáo Đề án và kiến nghị của UBND tỉnh, các đại biểu dự buổi làm việc đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đáng chú ý liên quan cách đặt tên, điều chỉnh phạm vi quy hoạch, tỷ lệ mô hình và vị trí đặt phù hợp của các cụm biểu tượng Khuê Văn Các và Bến Nhà Rồng; tạo biểu tượng riêng cho Cung đường Hòa bình và đặt tại hai đầu cầu cổng chào của Cung đường... Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về tên gọi của Cung đường, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư, lựa chọn cây trồng trên Cung đường…

Về phương án bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn giai đoạn 2, đơn vị tư vấn đã đề xuất tôn tạo, sửa chữa, điều chỉnh một số hạng mục chính như: Nhà lưu niệm, Nhà trưng bày và tưởng niệm, Nhà đón tiếp và thư viện, Cổng chính khu tổ chức đua thuyền, bờ kè và bậc cấp bến sông. Các ý kiến đánh giá tổng thể phương án tôn tạo của đơn vị tư vấn là phù hợp với tâm linh truyền thống của người Quảng Trị và theo tiêu chí tôn tạo, nâng cấp trên mặt bằng hiện có, tránh lãng phí, phô trương, bổ sung một số hạng mục thiếu, chưa hợp lý, chưa tương xứng với tổng thể di tích; đảm bảo tính trang trọng của một công trình tưởng niệm mang tính giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần tăng diện tích khu vực tổ chức hành lễ, dâng hương; phạm vi khu trưng bày về quê hương cần mở rộng hơn, nên bố trí thêm về tư liệu đồng chí Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với miền Nam trong Nhà trưng bày; phối hợp, tham vấn và có sự thống nhất ý kiến với gia đình của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về phương án tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm.

Về Đề án Festival “Vì Hòa bình”, qua các lần tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị liên quan; tổ chức hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia văn hóa, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương, các tổ chức quốc tế tại Quảng Trị, đã cơ bản thống nhất về ý tưởng, quy mô, tính chất, tiêu chí và khung chương trình. Với Đề án Festival “Vì Hòa bình”, các ý kiến cơ bản thống nhất tên gọi Festival Vì Hòa bình, thời gian và quy mô tổ chức.

Về Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2020), dự kiến các hoạt động chính trong Lễ hội bao gồm: Hoạt động thông tin, tuyên truyền chào mừng Lễ kỷ niệm; Lễ dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ; Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông”; Giải Đua thuyền; Chương trình Nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ kỷ niệm; các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống, tổ chức cả hai bên khu di tích; Hội trại “Thống nhất non sông”; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu và văn hóa ẩm thực của tỉnh; trưng bày triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam...

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho rằng cơ bản các Đề án đã đáp ứng được yêu cầu mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua các đề án, kế hoạch và yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng  liên quan tiếp thu ý kiến, điều chỉnh phù hợp, tham mưu UBND tỉnh hoàn chỉnh các đề án để thực hiện có hiệu quả. Đối với Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2020), cần chủ động xây dựng các phương án, khung chương trình hoạt động linh hoạt, phù hợp diễn biến dịch bệnh COVID-19. Thái Minh

 

790 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1349
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1349
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76680216