Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn chủ trương một số nội dung về kinh tế - xã hội 

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị bàn, cho chủ trương về một số dự án lớn của tỉnh.

- Về Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan:

Thực hiện Quyết định số 626-QĐ/TU, ngày 01/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Tổ công tác của tỉnh Quảng Trị phối hợp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - xã hội (gọi tắt là Tổ công tác 626); Tổ công tác 626 đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thành lập Bộ phận giúp việc; xây dựng Kế hoạch công tác của Tổ  và chủ động trong triển khai nhiệm vụ. Đến nay đã cơ bản hoàn thành dự thảo Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan; phối hợp giúp đỡ tư vấn Singapore trong ký kết và triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với các tỉnh Savannakhet, Salavan, Champasak trong hỗ trợ xây dựng định hướng quy hoạch.

Sau khi nghe Tổ công tác báo cáo kết quả triển khai thực nhiệm vụ và tiến độ xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao các kết quả đạt được của Tổ công tác 626. Dự thảo Đề án đã cơ bản phân tích, làm rõ các căn cứ, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đồng thời đề xuất các quan điểm, mục tiêu, luận chứng, mô hình, sự cần thiết các cơ chế, chính sách và giải pháp có tính khả thi, tính thực tiễn của việc hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan. Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Tổ công tác 626 tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Đề án; tham mưu kế hoạch, nội dung làm việc với các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Chính phủ, Bộ Chính trị về chủ trương thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan; đồng thời, Tổ công tác 626 cần chủ động làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Savannakhet, Tổ công tác 1626 tỉnh Savannakhet và các cơ quan liên quan phía Lào trao đổi thống nhất nội dung Đề án trình Chính phủ Lào. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đưa “Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan” là 01 trong 8 đề án, dự án trọng điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.

- Cho ý kiến về phương án đường cất hạ cánh Cảng hàng không Quảng Trị: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tham vấn ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và đề nghị hướng dẫn các thủ tục kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.048m (tại văn bản số 4387/UBND-KT, ngày 09/9/2022) và đã được Bộ Giao thông Vận tải trả lời tại Văn bản số 9382/BGTVT-KHĐT, ngày 14/9/2022 đề nghị tỉnh xem xét, tiếp tục triển khai Dự án Cảng hàng không theo quy hoạch và chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; phương án kéo dài đường cất hạ cánh nên được nghiên cứu tại thời điểm phù hợp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải để trình Hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Trong Báo cáo cần phân tích làm rõ tính khả thi, hiệu quả của dự án và nêu quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án đường cất hạ cánh và nhà ga để Hội đồng thẩm định xem xét.

- Về tình hình triển khai dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và Đường ven biển nối Hành lang kinh tế Đông – Tây: Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và dự án Đường ven biển nối Hành lang kinh tế Đông - Tây là hai dự án trọng điểm của tỉnh, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo dự án động lực cấp tỉnh đã tổ chức nhiều phiên họp và có ý kiến chỉ đạo; UBND tỉnh, các sở, ngành cũng đã tích cực triển khai thực hiện. Sau khi nghe Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo tình hình, tiến độ triển khai các dự án để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đề nghị:

+ Đối với dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy: Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đốc thúc nhà đầu tư triển khai hoàn thành các thủ tục đầu tư đảm bảo các quy định của pháp luật; yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ thực hiện sau khi có chủ trương thay đổi nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ cam kết, xem xét các biện pháp xử lý theo các quy định hiện hành.

+ Đối với Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây: Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt thiết kế bản vẻ thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa.. liên quan đến dự án. Đồng thời, cần tính toán quy hoạch quỹ đất tại các địa phương liên quan để có hướng khai thác, phát triển lâu dài.

- Thành lập Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh: Trong thời gian, quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án là công tác giải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thường bị chậm trễ, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tập trung chỉ đạo thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoặc đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban; các thành viên là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, thủ trưởng một số sở, ngành có liên quan. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc thành lập. Còn đối với cấp huyện, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng là đồng chí Bí thư cấp ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, yêu cầu nhà đầu tư có cam kết bằng văn bản về tiến độ đầu tư, đồng thời, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án chậm trễ, kéo dài. Việc yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai dự án thực hiện đối với cả các dự án mới được cấp chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công, đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch đã đề ra.

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất danh mục các dự án trọng điểm cấp tỉnh:

Để tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, trước mắt Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn 08 nhóm dự án, đề án sau đưa vào danh mục các dự án trọng điểm, gồm: (1) Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy; (2) Dự án Cảng hàng không Quảng Trị; (3) Dự án Đường ven biển nối hành lang kinh tế Đông – Tây, gắn với đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà (đoạn 4,2km qua địa bàn thành phố Đông Hà  chưa được đầu tư hoàn thành); (4) Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; (5) Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP 8); (6) Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan; (7) Các dự án năng lượng, điện khí có quy mô lớn tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; (8) Dự án đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Trên cơ sở chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giao Ban chỉ đạo các dự án động lực cấp tỉnh tập trung chỉ đạo UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm đã xác định; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nội dung công việc thuộc thẩm quyền để xem xét, quyết định.

- Về công tác quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Việc lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh; tích cực làm việc và mời các đối tác nước ngoài tham gia phản biện để nâng cao chất lược của Quy hoạch tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Ban Cán sự UBND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn trong công tác lập Quy hoạch tỉnh. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng, đầy đủ nội dung theo yêu cầu. Báo cáo Quy hoạch tỉnh lần này đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 175-TB/TU ngày 25/10/2021; đã tích hợp nội dung, định hướng lớn của các Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Ngành Quốc gia và Vùng Quốc gia. Báo cáo cũng đã nghiên cứu, tích hợp các nội dung, ý tưởng mới của “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị” của Singapore Cooperation Enterprise (SCE), “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Sakae Advisory - Surbana Jurong xây dựng và các ý kiến phản biện của Tổ chức AVSE Global; tranh thủ được gợi ý của các Chuyên gia, Nhà khoa học hàng đầu trong cả nước; cũng như ý kiến tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh...

Tại phiên họp ngày 30/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về mặt nguyên tắc của Quy hoạch tỉnh và giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương có liên quan và các địa phương trong vùng; lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh theo quy định; đồng thời, liên hệ chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để cập nhật các nội dung, định hướng phát triển chính của Quốc gia; phối hợp các tổ chức tư vấn quốc tế, Liên danh Sakae – Surbana Jurong, AVSE Global để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch của tỉnh… báo cáo lại Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt theo tiến độ kế hoạch.

- Về dự án Khu gang thép liên hợp Quảng Trị: Dự án Khu gang thép liên hợp Quảng Trị với mục tiêu sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng; Công suất 4.500.000 tấn thép sản phẩm/năm (Phân kỳ thành 03 giai đoạn): Giai đoạn 1: Đầu tư dây chuyền sản xuất xây dựng công suất: 1.100.000 tấn sản phẩm/năm; Giai đoạn 2: Đầu tư dây chuyền sản xuất thép hình, công suất 1.100.000 tấn sản phẩm/năm; Giai đoạn 3: Đầu tư dây chuyền sản xuất thép tấm cán nóng, công suất 2.300.000 tấn sản phẩm /năm.

Dự án dự kiến thực hiện tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với diện tích đề xuất khoảng 389,5ha (Giai đoạn 1 & 2: 216,2ha; Giai đoạn 3: 173,3ha). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 47.810 tỷ đồng (trong đó: Giai đoạn 1: 14.980 tỷ đồng; Giai đoạn 2: 9.830 tỷ đồng; Giai đoạn 3: 23.000 tỷ đồng). Tiến độ dự án đầu tư: 05 năm (dự kiến: Giai đoạn 1: 02 năm 6 tháng kể từ khi được chấp thuận đầu tư; Giai đoạn 2: 02 năm từ khi giai đoạn 1 thi công được 6 tháng; Giai đoạn 3: 02 năm bắt đầu khi giai đoạn 2 hoàn thành 01 năm). Tổng nhu cầu lao động: 4.086 người (trong đó: Giai đoạn 1 và 2 là: 2.113 người; Giai đoạn 3: là 1.973 người. Dự kiến thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng).

Tại phiên họp ngày 30/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương để UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự án, trong đó, tính toán để xác định được vị trí đặt dự án phù hợp với quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, xa khu dân cư và không tạo nên sự xung đột với các dự án trong khu vực dự kiến đặt nhà máy; đồng thời, tích hợp vào quy hoạch tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt; làm việc với nhà đầu tư để có cam kết chặt chẽ tiến độ triển khai dự án và phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan thẩm định kỹ dự án về công nghệ, thiết bị, đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường (về nước xả thải, xử lý chất thải rắn, tiếng ồn…)… báo cáo lại Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Đây là dự án có quy mô lớn, vì vậy cần đưa dự án vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thanh Lan

537 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 573
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 573
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77487388