Báo điện tử "Arabnews" của Saudi Arabia ngày 31/10, cho biết phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 30/10, Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al-Khalifa (Ha-mát bin I-xa An - Kha-li-pha) kêu gọi tiếp tục cô lập Qatar, nhấn mạnh rằng Bahrain sẽ không tham dự bất kỳ hội nghị cấp nào của GCC trừ phi Qatar tuân thủ các yêu cầu. Ông Hamad nhấn mạnh: "Doha đã không tôn trọng các hiến chương, hiệp định và chính sách đảm bảo an ninh của khu vực vùng Vịnh".

Các phát biểu của Quốc vương Hamad được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed Al-Khalifa  (Sếch Kha-lít bin A-mét An - Kha-li-pha) kêu gọi "đóng băng" tư cách thành viên của Qatar trong GCC. Viết trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Sheikh Khalid nêu rõ: "Manama sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh GCC sắp tới nếu hội nghị này có sự tham gia của Qatar". Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Bahrain cũng chỉ trích việc Doha không tuân thủ bản yêu cầu gồm 13 điểm của nhóm 4 nước Arab, trong đó có việc hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera.

Tới nay, người phát ngôn của GCC và Bộ Ngoại giao Saudi Arabia vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về tuyên bố mới nhất của Bahrain liên quan đến tư cách thành viên của Qatar trong GCC. Quốc vương và Ngoại trưởng Bahrain là những quan chức cấp cao đầu tiên từ GCC đưa ra đề nghị đình chỉ tư cách thành viên của Doha.

Cùng ngày, Bahrain tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa các quy định cấp thị thực cho công dân Qatar trong bối cảnh an ninh hiện nay. Theo Bộ Nội vụ Bahrain, Bộ trưởng Nội vụ Shaikh Rashid bin Abdullah Al Khalifa (Sa-ít Ra-sít bin Áp-đu-la An  Kha-li-pha) đã chủ trì cuộc họp về áp đặt thị thực nhập cảnh đối với công dân Qatar. Các thủ tục này nhằm bảo vệ an ninh và ổn định của Bahrain, đặc biệt trước những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar.

Đầu tháng 6 vừa qua, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm khủng bố và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực. Nhóm 4 nước Arab sau đó đã đưa ra bản yêu sách 13 điểm, trong đó yêu cầu Qatar ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Tuy nhiên, đáp lại các động thái của các nước Arab, Qatar đã thẳng thừng tuyên bố bản yêu sách đó không hợp lý và vi phạm chủ quyền của Doha.

Kuwait đã cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa các bên, song mọi nỗ lực của nước này tới nay vẫn không đạt được tiến triển nào./. 

Theo TTXVN