Chiều 2/10 theo giờ Việt Nam, Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển đã công bố giải Nobel Y học năm 2017 thuộc về 3 nhà khoa học người Mỹ gồm Jeffrey C.Hall, Michael Rosbash và Michael W.Young.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nhận thức được rằng mỗi cá thể sống, bao gồm cả con người, có một chiếc "đồng hồ" ngay bên trong cơ thể mình, giúp các cá thể có thể dự đoán và thích nghi với nhịp điệu của một ngày. Đây là đồng hồ sinh học, còn gọi nhịp điệu sinh lý, vòng tuần hoàn sinh học 24h giúp cơ thể của chúng ta thích nghi với chu trình sáng, tối của ngày và đêm.
Đồng hồ sinh học ảnh hưởng đến những chức năng quan trọng của cơ thể, như mức độ hormone, giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể và sự trao đổi chất. Khi xuất hiện một sự "lệch pha" giữa đồng hồ sinh học nội tại và môi trường bên ngoài, sức khỏe của cá thể đó có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ dễ thấy nhất là chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi do thay đổi múi giờ sau những chuyến bay liên lục địa.
Bằng cách sử dụng ruồi giấm làm mô hình cá thể để nghiên cứu, các nhà khoa học giành giải Nobel năm nay đã phân tách được một loại gen kiểm soát nhịp sinh học hàng ngày. Gen này mã hóa một loại protein sản sinh trong tế bào vào ban đêm, song lại bị phân hủy vào ban ngày. Sau đó, họ xác định được các thành phần protein bổ sung của "bộ máy" này, từ đó cho thấy cơ chế kiểm soát sự vận hành của đồng hồ sinh học ngay bên trong tế bào.
Công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học đã chỉ ra rằng đồng hồ sinh học vận hành theo cùng một nguyên tắc trong tế bào của các sinh vật đa bào, bao gồm con người.
Uỷ ban Nobel Y học của Thụy Điển đánh giá: "Những phát hiện trong công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học giúp giải thích cách thức các loài động, thực vật và con người có thể thích nghi nhịp sinh học của mình, từ đó phù hợp với sự tiến hóa của Trái Đất".
Trong 3 nhà khoa học, ông Jeffrey C.Hall, 72 tuổi, đã nghỉ hưu sau thời gian dài làm việc tại Đại học Brandeis ở Waltham, Massachussetts, nơi người đồng nghiệp Michael Rosbash, 73 tuổi, hiện đang là giảng viên. Trong khi đó, ông Michael W.Young, 68 tuổi, đang là Giáo sư của Đại học Rockefeller ở New York.
Nobel Y học là giải thưởng đầu tiên được công bố trong mùa giải Nobel hàng năm. Năm ngoái, giải Nobel Y học đã được quyết định trao cho ông Yoshinori Ohsumi, nhà khoa học người Nhật Bản, nhờ khám phá các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản trong tế bào.
Chủ nhân của các giải Nobel trong năm nay sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt.
Ngày 25/9 vừa qua, Quỹ Nobel đã quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel năm nay thêm 1 triệu krona (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải trước, lên 9 triệu krona. Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi Quỹ Nobel quyết định giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục, trong bối cảnh phải cân đối ngân sách trong dài hạn./.
BT