Cung điện Saxon tại thủ đô Warsaw từng là nơi ở của hoàng gia và cũng là nơi các chuyên viên mật mã Ba Lan “bẻ gãy” hệ thống mã hóa Enigma của Đức. Hàng thập kỷ sau khi bị Đức Quốc xã phá hủy, Cung điện mang giá trị biểu tượng này sẽ được "hồi sinh."
Người phát ngôn dự án Slawomir Kulinski cho biết Cung điện Saxon sẽ trở lại bản đồ của Warsaw và là một sự nhắc nhở đáng tự hào về những gì đã xảy ra tại đây. Ông Kulinski nhấn mạnh đây là địa điểm không chỉ thay đổi lịch sử của Ba Lan mà của cả thế giới.
Mới đây, Chính phủ Ba Lan thông báo đã bắt đầu tái thiết công trình lịch sử trên. Theo kế hoạch, dự án quy mô lớn này sẽ được hoàn tất vào năm 2030 với tổng kinh phí 2,5 tỷ zloty (600 triệu USD). Sau khi tái thiết, khu phức hợp này cũng sẽ là nơi tọa lạc của Thượng viện Ba Lan, các tổ chức văn hóa cùng với nhà hàng và quán càphê.
[Tòa nhà Thượng viện Pháp - Nơi những bức tường kể câu chuyện di sản]
Cung điện Saxon ban đầu được xây dựng cho một nhà quý tộc vào thế kỷ 17, nhưng sau đó trở thành nơi ở của hoàng gia. Đầu thế kỷ 19, Cung điện Saxon là trụ sở của trường Warsaw Lyceum.
Tại đây, Nicolas Chopin - cha của nhà soạn nhạc thiên tài Frederic Chopin - dạy tiếng Pháp và sống cùng gia đình trong khuôn viên cung điện. Chính tại nơi này, Chopin đã viết những tác phẩm đầu tay, trong đó có bản “Polonaise in G minor" được sáng tác lúc ông mới 7 tuổi.
Đây cũng chính là nơi đặt trụ sở của Cục Mật mã Ba Lan. Tại đây, các nhà toán học Ba Lan đã phá khóa mật mã của máy Enigma, góp phần vào chiến thắng của lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, công trình lịch sử này đã bị quân Đức "xóa sổ" như một phần trong kế hoạch phá hủy Warsaw thời kỳ đó./.
Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)