Theo hãng tin Reuters của Anh, mối quan hệ giữa Azerbaijan và Nga, vốn đang xuất hiện bất hòa do cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh, dự kiến sẽ còn phải đối mặt với áp lực nhiều hơn nữa khi Azerbaijan cuối năm nay sẽ chính thức đưa vào vận hành một đường ống dẫn khí đốt mới - động thái đe dọa doanh thu bán khí đốt đang giảm sút của Moskva sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đường ống dẫn dầu mang tên "Hành lang khí đốt phương Nam" trị giá 40 tỷ USD này sẽ vận chuyển khí đốt từ khu mỏ khổng lồ Shah Deniz II của Azerbaijan ở biển Caspi.
Đường ống này nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (EC), trong bối cảnh cơ quan này tìm cách hạn chế sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu đối với nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ngoài ra, dự án "Hành lang khí đốt phương Nam" cũng có sự hỗ trợ của đồng minh quan trọng của Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ.
[Nga đánh mất thị phần khí đốt lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3]
Hiện tình hình chiến sự tại Nagorny-Karabakh, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng người Armenia với quân đội Azerbaijan, đã lan sang các thành phố của Azerbaijan gần khu vực Hành lang Khí đốt phương Nam.
Tuy nhiên, BP tại Azerbaijan - một phần của tập đoàn các công ty tham gia dự án xây dựng đường ống này - khẳng định mọi công việc tại đây vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.
Người phát ngôn của BP cho biết: "Hiện tại, mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong khu vực vẫn tiếp tục diễn ra như bình thường và các kế hoạch của chúng tôi không có gì thay đổi."
Ngân hàng trung ương Nga cho biết xuất khẩu khí đốt của nước này tính theo giá trị đã giảm xuống 11,44 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, từ mức 18,65 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2019.
Công ty Gazprom có kế hoạch vận chuyển ít nhất 170 mét khối (bcm) khí đốt đến châu Âu trong năm nay, giảm so với mức 199 mét khối vào năm 2019.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Gazprom sang châu Âu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm 18%, xuống còn 78,94 mét khối. Riêng với Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu khí đốt tự nhiên đã giảm hơn 40%, xuống còn 4,7 mét khối.
Trong khi đó, Azerbaijan đã chuyển giao gần 7 mét khối cho Thổ Nhĩ Kỳ trong hai năm qua thông qua đường ống TANAP hiện có - đây cũng là một phần của đường ống Hành lang khí đốt phương Nam.
Sau khi đường ống Hành lang khí đốt phương Nam được hoàn thiện và chính thức vận hành (dự kiến vào cuối năm nay), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được 6 mets khối khí đốt/năm từ Azerbaijan, ngoài ra 10 mét khối được dành cho Liên minh châu Âu./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)