Australia sẽ cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí methane vào 2030 

Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Australia cho biết khí methane hiện chiếm 24% lượng khí thải của Australia và Australia là nước thải ra khí này nhiều thứ 11 trên thế giới.
Australia sẽ cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí methane vào 2030

Chính phủ Australia đã ký Cam kết Methane toàn cầu (GMP), thỏa thuận toàn cầu nhằm cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí methane vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020.

Phát biểu với báo giới ngày 23/10, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Australia Chris Bowen cho biết: “Khí methane hiện chiếm 24% lượng khí thải của Australia và Australia là nước thải ra khí này nhiều thứ 11 trên thế giới. Do đó, Australia cần tham gia GMP và trở thành một phần của giải pháp chung."

Ông cũng nhấn mạnh đây là cam kết trên quy mô toàn cầu, không bắt buộc Australia phải giảm 30% lượng khí thải của mình mà đòi hỏi Australia nỗ lực để giảm nhiều nhất có thể và đóng góp vào mục tiêu chung giảm 30% lượng khí thải toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bowen, tham gia GMP, Australia cam kết thực hiện một loạt hành động như đặt ra các tiêu chuẩn giảm khí thải trong các lĩnh vực năng lượng và rác thải, tìm các cơ hội giảm khí thải trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua công nghệ và hợp tác với người nông dân.

[Thêm nhiều nước tham gia cam kết cắt giảm methane toàn cầu]

Ngành nông nghiệp hiện gây ra khoảng một nửa lượng khí thải methane ở Australia, trong khi lĩnh vực khai thác tài nguyên và xử lý chất thải gây ra 39%.

Theo Bộ trưởng Bowen, Chính phủ Australia đã cam kết tài trợ cho ngành trồng rong biển để thương mại hóa loại thức ăn chăn nuôi ít thải khí. Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ hỗ trợ phát triển các công nghệ để tạo ra các loại thức ăn có lượng phát thải thấp, sử dụng cho động vật chăn thả.

Ông Bowen cho biết GMP không yêu cầu Australia chỉ tập trung vào nông nghiệp, hoặc giảm sản lượng nông nghiệp hoặc số lượng gia súc. Chính phủ Australia cũng sẽ không luật hóa hoặc áp dụng các loại thuế, phí để giảm lượng khí thải trong chăn nuôi./.

Văn Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

 

218 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1055
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1055
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87050878