ASEAN và Đối tác: Hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững 

Các đối tác khẳng định coi trọng ASEAN, ủng hộ hiệp hội đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cùng xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm.
ASEAN và Đối tác: Hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

Chiều 13/7/2023, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp tục dự các Hội nghị ASEAN+1 với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Hội nghị ASEAN+3, trọng tâm chính là kiểm điểm hợp tác và định hướng thời gian tới.

Tại các Hội nghị, các Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, cùng nhiều kết quả khả quan trên hầu khắp các lĩnh vực. Các bên tích cực khai thác tiềm năng và cơ hội hợp tác mới, góp phần đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Các đối tác khẳng định coi trọng ASEAN, ủng hộ hiệp hội đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cùng xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và hoạt động dựa trên luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc.

Phát biểu thay mặt ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn điểm lại kết quả hợp tác đạt được trên tất cả các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân.

Bộ trưởng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định, nhất là ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, làm sâu sắc hợp tác kinh tế vì thịnh vượng và đẩy mạnh hợp tác vì người dân, hướng tới tương lai bền vững.

[AMM-56: ASEAN và EU đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức toàn cầu]

Nhân dịp này, Bộ trưởng thông báo Việt Nam sẽ tổ chức Ngày ASEAN-Hàn Quốc vào cuối năm nay, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.

ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc công bố đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc, đánh giá cao sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc.

Hàn Quốc cho biết đang triển khai cam kết tăng gấp đôi đóng góp Quỹ Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc lên 32 triệu đô-la Mỹ đến 2027, đồng thời dành hơn 200 triệu đô-la Mỹ cho các dự án hợp tác chung.

Các Bộ trưởng đề cao ý nghĩa của dấu mốc 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, hoan nghênh đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN với Nhật Bản nhân dịp này.

Hai bên nhất trí sẽ làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác, nhất là thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng mới như đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

ASEAN va Doi tac: Huong toi hoa binh, on dinh va phat trien ben vung hinh anh 2Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nhật Bản. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

ASEAN đánh giá cao Nhật Bản dành khoản vay tài chính 3,34 tỷ USD Mỹ hỗ trợ nỗ lực phục hồi sau đại dịch, đóng góp thêm 100 triệu USD Mỹ cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản.

Các nước hoan nghênh thành công của Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU tháng 12/2022. Hội nghị đã định hướng và tạo đà cho những bước phát triển mới trong tương lai.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác, trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại và khai thác các lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế số, công nghệ xanh, dịch vụ xanh, đồng thời khẳng định hướng đến mục tiêu Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-EU trong dài hạn.

ASEAN hoan nghênh EU dành gói đầu tư Team Europe trị giá khoảng 10 tỷ Euro đến năm 2027, hỗ trợ các nỗ lực hội nhập, nâng cao năng lực và phát triển bền vững trong khu vực.

Tại Hội nghị của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), các Bộ trưởng nhấn mạnh cần duy trì và phát huy thế mạnh vốn có ASEAN+3 như hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, phòng chống và ứng phó dịch bệnh.

Các Bộ trưởng cũng cho rằng cần mở rộng ưu tiên hợp tác mới để giải quyết hiệu quả các khó khăn, thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Theo đó, các nước nhất trí tăng cường các cơ chế ổn định kinh tế, tài chính hiện có, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, triển khai hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3...

Các Bộ trưởng đánh giá cao quan hệ đối thoại ASEAN-Anh mới được thành lập. Các nước nhất trí sẽ triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2022-2026, đồng thời nhấn mạnh cần phối hợp làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng bao trùm.

ASEAN đánh giá cao việc Anh đề xuất các chương trình hợp tác trọng điểm trị giá 113 triệu bảng Anh trong 5 năm tới về hội nhập kinh tế khu vực, y tế, giáo dục, phụ nữ, hòa bình, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu...

Với Canada, các nước cam kết phối hợp triển khai Tuyên bố chung của các Lãnh đạo kỷ niệm 45 năm quan hệ, hướng tới việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Canada.

ASEAN hoan nghênh Canada cam kết hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng, thiết lập Quỹ tín thác trị giá 13,1 triệu dollar Canada, và dành học bổng đào tạo cho ASEAN. Các Bộ trưởng nhấn mạnh hai bên cần phối hợp khai thác hiệu quả các dư địa hợp tác, đưa quan hệ phát triển năng động và thực chất hơn nữa.

Phát biểu trong các Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh các chương trình, kế hoạch hành động giữa ASEAN với các Đối tác tiếp tục được triển khai hiệu quả, với nhiều đề xuất, sáng kiến thiết thực, phù hợp với quan tâm chung của các nước.

Bộ trưởng đề nghị phối hợp đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi bao trùm, thúc đẩy động lực tăng trưởng, ưu tiên hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Chia sẻ ý kiến của các nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao cam kết của các Đối tác ủng hộ vai trò dẫn dắt của ASEAN trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin trong khu vực.

Bộ trưởng đề nghị các Đối tác ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, đề cao ý nghĩa của Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), hỗ trợ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)
96 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 679
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 679
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87070420