ASEAN tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả RCEP 

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận RCEP nhằm tăng cường sức hút của ASEAN về thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
ASEAN tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả RCEP

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn ngày 17/2 cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ và hiện quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Cam kết trên được đưa ra Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) trực tiếp và trực tuyến tại Phnom Penh (Campuchia).

Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Sokhonn cho biết các Bộ trưởng đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN và thương mại nội khối, kết nối đầu tư và chuỗi cung ứng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, kết nối và chống chịu của khu vực như đã vạch ra trong Kế hoạch Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2025.

Bộ trưởng Sokhonn nêu rõ: "Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN rất khích lệ trước việc Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng 1/2022 và tái khẳng định cam kết đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận này nhằm tăng cường sức hút của ASEAN về thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu."

[RCEP được kỳ vọng là "luồng gió mới" thúc đẩy kinh tế toàn cầu]

RCEP là một thỏa thuận thương mại lớn giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Với thị trường 2,3 tỷ dân, chiếm 30% dân số toàn cầu, RCEP được coi là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất hiện nay. Các quốc gia thành viên RCEP chiếm tới 33,6% GDP của thế giới và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Ngoài RCEP, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã thảo luận cách thức tăng cường kinh tế khu vực thời hậu đại dịch COVID-19. Ông Sokhonn cho biết: "Để tạo điều kiện phục hồi khu vực sau đại dịch, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Nền tảng phục hồi toàn diện ASEAN."

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, các Bộ trưởng cũng đã thảo luận sự vận hành của Quỹ Ứng phó với COVID-19 của ASEAN, đồng thời nhấn mạnh rằng việc thực thi đúng lúc Khuôn khổ Thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động xuyên biên giới và tăng cường các hoạt động kinh tế giữa các nước thành viên.

Ông Sokhonn cho biết thêm các Bộ trưởng cũng đã trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tái khẳng định cam kết chung đối với cơ chế đa phương cởi mở, dựa trên luật lệ và toàn diện nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng bền vững trong và ngoài khu vực.

Ông nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cũng nhất trí cần củng cố vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong cam kết với các đối tác bên ngoài thông qua cơ chế do ASEAN đứng đầu nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, cũng như củng cố cấu trúc khu vực với ASEAN là trung tâm"./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

417 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 938
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 938
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87136314