Đây là phát biểu của ông Xavier Nuttin, chuyên gia cố vấn chính sách châu Á của Nghị viện châu Âu (EP), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN.
Ông Xavier Nuttin đánh giá ASEAN đóng một vai trò rất quan trọng trên trường quốc tế cả về mặt chính trị và kinh tế.
Về chính trị, ASEAN giữ vị trí trung tâm trong mối quan hệ hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương và EU ủng hộ hoàn toàn vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang được cả ASEAN và EU cùng ủng hộ.
Tuy nhiên, vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực luôn có nguy cơ bị làm khó dễ bởi sự cạnh tranh giữa hai siêu cường hiện nay là Trung Quốc và Mỹ...
Về góc độ kinh tế, ASEAN với tư cách là một khối với 10 nước thành viên hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới.
Trên thực tế, ASEAN là đối tác kinh tế cơ bản của EU. ASEAN hiện là một khu vực kinh tế năng động của thế giới với đà tăng trưởng cao. Nhiều chuyên gia đang kỳ vọng những thành quả này sẽ liên tục được giữ vững trong thời gian từ nay đến năm 2050 để ASEAN có thể trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới.
Do đó, hiện nay điều quan trọng đối với ASEAN là cần tiếp tục mục tiêu của mình về hội nhập khu vực và duy trì vai trò nền tảng trung tâm trong kiến trúc mối quan hệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Xavier Nuttin cho biết EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và ASEAN đóng vai trò là đối tác lớn thứ 3 của EU sau Trung Quốc và Mỹ.
[Học giả, nhà nghiên cứu Đức đánh giá cao vai trò của Việt Nam và ASEAN]
Là nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN, EU chiếm 20% tổng đầu tư nước ngoài vào 10 nước khu vực này. Vì vậy có thể khẳng định đây là một quan hệ đối tác thương mại quan trọng và cần thiết cho cả hai bên.
Mặt khác, vấn đề thương mại đóng vai trò rất quan trọng trong các chương trình hợp tác mà EU đang tài trợ cho ASEAN.
Khoảng 50% vốn đầu tư hỗ trợ cho mối quan hệ hợp tác giữa EU và ASEAN được rót cho khu vực kinh tế, điều này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ song phương EU-ASEAN.
Tại một trong những cuộc đàm phán gần đây giữa hai bên, một thỏa thuận về vận tải hàng không đã được đưa ra thảo luận.
Thỏa thuận này sẽ tạo thuận lợi không chỉ cho ngành thương mại hàng không mà còn cho cả nền kinh tế, kinh doanh và du lịch.
Mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa EU và ASEAN đang phát triển với tốc độ cao và bền vững vì lợi ích của tất cả các bên.
Triển vọng thực tế cho thấy EU và ASEAN sẽ tiến tới ký kết một hiệp định thương mại tự do vì mục tiêu mà cả hai bên đã khởi xướng vào những năm 2000.
Thật không may, các cuộc đàm phán này đã bị ngừng lại vào năm 2007 và EU đã khởi động các cuộc đàm phán với nhiều nước thành viên ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, như thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam với các cuộc đàm phán đã kết thúc vào cuối năm 2015 và văn bản này hiện đang trong quá trình chờ phê chuẩn.
Hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam hiện đang được sử dụng như là một bước đi đóng góp cho việc xác định một hiệp định khu vực vì đây là mục tiêu mà các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên EU phụ trách thương mại quốc tế Cecilia Malmström đã cùng nhắc đến.
Tại phiên họp gần nhất của EU vào tháng 3 vừa qua, hai bên đã nhắc lại và khẳng định sẵn sàng đàm phán lại hiệp định song phương giữa các khu vực.
Chuyên gia Xavier Nuttin đánh giá Việt Nam là một thành viên rất quan trọng trong khối ASEAN với vị trí địa lý đặc biệt, tầm vóc dân số quan trọng cùng một nền kinh tế phát triển nhanh chóng và rất rõ nét.
Việt Nam là một nước thành viên quan trọng của ASEAN có thể đóng góp những tiếng nói có trọng lượng trong việc xác định các chính sách của ASEAN.
Quan hệ Việt Nam-EU bắt đầu từ năm 1996 thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tiên cho phép mở phái đoàn EU tại Việt Nam và ông Xavier Nuttin cho biết đã vinh dự có mặt làm việc tại phái đoàn vào đúng thời điểm khai trương tổ chức này tại để cùng với đồng nghiệp của mình khởi động sự hợp tác giữa EU và Việt Nam.
Từ đó trở đi, quan hệ hai bên đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Năm 2016 thỏa thuận đối tác đã mở cửa cho mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng từ năng lượng đến văn hóa, và đặc biệt EU là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với 400 triệu euro viện trợ không hoàn lại dành trong giai đoạn 2014-2020.
Đó là mối quan hệ đang phát triển rất tích cực và đóng một vai trò rất quan trọng từ hơn 20 năm qua.
Chuyên gia Xavier Nuttin nhận định nó vẫn sẽ tiếp tục theo định hướng ban đầu bởi vì gần đây Việt Nam đã cho phép mở cửa thêm khu vực tư nhân nhằm phát triển kinh tế.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của EU, và do đó EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển những tiến bộ của mình để đạt đến mục tiêu cuối cùng là cho người Việt Nam, vì người Việt Nam và hướng tới một cuộc sống tốt hơn./.