ASEAN đặt mục tiêu hoàn thành các ưu tiên kinh tế năm 2023 

Năm 2022, kim ngạch thương mại của ASEAN đạt 3.800 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 722,2 tỷ USD.
ASEAN đặt mục tiêu hoàn thành các ưu tiên kinh tế năm 2023

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM-55), diễn ra trong các ngày 17-22/8 tại thành phố Semarang, tỉnh Trung Java, Indonesia với 19 cuộc họp và 9 hoạt động chính, sẽ thảo luận nhiều chương trình nghị sự quan trọng của khu vực.

AEM-55 là hội nghị cuối cùng trong chuỗi các cuộc họp AEM thuộc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia năm 2023. Kết quả của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra vào tháng Chín tới tại Jakarta.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, hội nghị gồm 3 mục tiêu chính:

Mục tiêu đầu tiên là hoàn thành các ưu tiên kinh tế của nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 như ký kết Nghị định thư sửa đổi lần thứ hai Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand.

Ngoài ra, Hội nghị cũng dự kiến phê chuẩn các văn kiện liên quan đến Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN, các tuyên bố cấp bộ trưởng liên quan đến Khung sáng kiến về các dự án công nghiệp ASEAN, các Điều khoản tham chiếu (ToR) và Thỏa thuận cấp kinh phí thành lập đơn vị hỗ trợ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vào năm 2024.

Mục tiêu thứ hai của hội nghị là tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại và đối tác chiến lược, trong đó có việc thông qua Chương trình Công tác Đầu tư và Thương mại ASEAN-Liên minh châu Âu giai đoạn 2024-2025, thay đổi thời gian hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada vào năm 2025, xây dựng kế hoạch công tác nhằm thúc đẩy Quan hệ đối tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản sáng tạo và bền vững, phê chuẩn ToR của Ủy ban hỗn hợp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và các văn kiện khác liên quan đến đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ.

[Thành tựu nổi bật của ASEAN sau 56 năm tồn tại và phát triển]

Theo ông Hasan, mục tiêu cuối cùng của AEM-55 là tăng cường hợp tác giữa các chủ thể kinh doanh trong ASEAN và các nước đối tác.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng kinh tế của ASEAN đạt 5,1% vào năm 2022 và dự báo đạt tương ứng 4,6% và 4,9% trong năm 2023 và 2024.

Năm 2022, kim ngạch thương mại của ASEAN đạt 3.800 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 722,2 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của cả khu vực, đứng trước Mỹ (10,9%) và Liên minh châu Âu (7,7%).

Trong khi đó, thương mại nội khối ASEAN chiếm 22,3% tổng kim ngạch thương mại, tăng so với mức 21,3% vào năm 2021. Về đầu tư, tổng nguồn vốn chảy vào ASEAN đạt 224,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 5,5% so với năm 2021./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

 

140 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 952
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 952
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006592