Theo hãng tin Sputniknews, Nội các Armenia ngày 22/5 thông báo Thủ tướng của nước này - ông Nikol Pashinyan - đã tham dự cuộc họp 3 bên với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels (Bỉ).
Tại cuộc họp, các bên đã nhất trí bắt đầu tiến trình phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan.
Cơ quan truyền thông của Nội các Armenia tuyên bố: “Kết quả của những cuộc thảo luận là đạt được một thỏa thuận về tiến trình hành động trong thời gian tới nhằm kết nối giữa các khu vực, bắt đầu công việc của Ủy ban phân giới và an ninh (biên giới Armenia-Azerbaijan).”
[Nga thông báo về quá trình phân định biên giới Armenia-Azerbaijan]
Lãnh đạo Armenia, Azerbaijan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng nhất trí tiếp tục cải thiện quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan và chuẩn bị cho các đàm phán liên quan.
Theo thông báo của Nội các Armenia, các bên đã đạt thỏa thuận tiếp tục đàm phán ba bên với cuộc gặp tiếp theo dự kiến vào tháng Bảy hoặc tháng Tám tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel đánh giá cuộc họp ba bên “đạt kết quả với những tiến bộ cụ thể,” và các bên đã thảo luận về các vấn đề kết nối, biên giới và nhân đạo cũng như cùng hợp tác hướng tới thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Ông cho biết Armenia và Azerbaijan sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng trong những tuần tới.
Quan hệ Armenia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh.
Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Đến cuối tháng 9/2020, xung đột tái bùng phát tại khu vực trên và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng.
Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Hồi tháng Ba vừa qua, Azerbaijan đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản để có thể thiết lập quan hệ với nước láng giềng Armenia trong thời kỳ hậu xung đột.
Trong đó bao gồm: Các bên công nhận tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bất khả xâm phạm của biên giới được quốc tế công nhận và độc lập chính trị của nhau; Sự xác nhận của các bên về việc không có yêu sách lãnh thổ chống lại nhau và chấp nhận các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý là không đưa ra yêu sách như vậy trong tương lai; Nghĩa vụ kiềm chế việc phá hoại an ninh của nhau trong các mối quan hệ với các quốc gia khác, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, và theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với Mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc; Phân định biên giới, thiết lập quan hệ ngoại giao; Mở cửa giao thông vận tải và thông tin liên lạc, xây dựng các kênh thông tin liên lạc khác nếu thích hợp, và thiết lập hợp tác trong các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)