Argentina đạt được thỏa thuận gói vay 50 tỷ USD của IMF 

Ngày 7/6, Chính phủ Argentina thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận được một gói tín dụng dự phòng trị giá 50 tỷ USD nhằm “hạ nhiệt” những biến động của thị trường tài chính tiền tệ trong nước sau khi đồng nội tệ peso liên tục lao dốc trong hơn 1 tháng qua.
Argentina đạt được thỏa thuận gói vay 50 tỷ USD của IMF

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne cho biết gói tín dụng này lớn hơn so với mong đợi của chính phủ và sẽ giúp Argentina có thể tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế đã đề ra nhằm mục tiêu cân bằng tài chính. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này cũng nhận được một gói tài chính bổ sung trị giá 5,6 tỷ USD của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF). 

Theo thỏa thuận, gói tín dụng này có giá trị trong 3 năm và Argentina sẽ phải thanh toán làm 8 lần trong 3 năm sau khi sử dụng. Lãi suất của gói tín dụng này sẽ phụ thuộc vào Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, cũng như số lượng tiền mà Argentina sẽ sử dụng. 

Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri cũng phải đáp ứng các điều kiện mà IMF đưa ra, trong đó có việc tăng tốc kế hoạch điều chỉnh nhằm mục tiêu giảm thâm hụt tài chính ở mức 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2019 so với mức dự báo trước đó là 2,2%, cũng như hướng tới việc cân bằng tài chính vào năm 2020. 

Ngoài ra, Argentina cũng phải cam kết giảm lạm phát xuống mức 17% cho năm 2019, 13% vào năm 2020 và 9% cho năm 2021. 

Sau đợt lao dốc của đồng peso nội tệ vừa qua, các chuyên gia dự báo lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2018 sẽ leo lên mức 27%. 

Argentina vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh buộc chính phủ phải điều chỉnh tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%, cũng như bán hơn 10 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối. 

Việc chính phủ “bắt tay” với IMF cũng bị phe đối lập và dư luận trong nước chỉ trích kịch liệt vì cho rằng chính tổ chức tài chính quốc tế này là một trong những tác nhân khiến cho Argentina rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử hồi năm 2001./. 

444 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 567
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 567
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87209247