Argentina chịu sức ép lạm phát nghiêm trọng nhất trong 34 năm qua 

Lạm phát tại Argentina vào tháng trước đã tăng 25,5% so với tháng 11/2023, phản ánh tác động từ gói biện pháp khẩn cấp do Chính phủ đưa ra ngay sau khi Tổng thống Javier Milei chính thức nhậm chức.
Argentina chịu sức ép lạm phát nghiêm trọng nhất trong 34 năm qua

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 11/1, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết Argentina khép lại năm 2023 với Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) tăng tới 211,4% so với năm 2022.

Đây là mức tăng CPI kỷ lục tại nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh kể từ giai đoạn siêu lạm phát 1989-1990.

Dữ liệu do INDEC công bố cho thấy Argentina là quốc gia có mức lạm phát cao nhất khu vực Mỹ Latinh, xếp trên Venezuela (193%).

Theo INDEC, lạm phát tại Argentina vào tháng trước đã tăng 25,5% so với tháng 11/2023, qua đó phản ánh tác động mạnh mẽ từ gói biện pháp kinh tế khẩn cấp do Chính phủ Argentina đưa ra ngay sau khi Tổng thống Javier Milei chính thức nhậm chức ngày 10/12/2023, trong đó nổi bật là phá giá tới 50% đồng nội tệ peso và cắt giảm tối đa trợ cấp cho các lĩnh vực dịch vụ công.

Cùng với đó, chính phủ mới của Argentina cũng quyết định hủy bỏ chương trình “đóng băng” giá các mặt hàng thiết yếu được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Alberto Fernández ban hành.

Các biện pháp trên góp phần khiến CPI tháng 12/2023 tăng vọt, trong đó dịch vụ công cộng tăng 32,7%, y tế tăng 32,6%, giao thông vận tải tăng 31%, thực phẩm và đồ uống có cồn tăng 29,7%.

Ngay trước khi số liệu về lạm phát năm 2023 được INDEC công bố, Tổng thống Milei nhấn mạnh trên sóng phát thanh quốc gia rằng nếu tỷ lệ lạm phát trong tháng 12/2023 ở mức khoảng 25% thì đó sẽ là “một thành công lớn.”

 

Tổng thống Argentina cũng khẳng định sẽ thực hiện cam kết đóng cửa Ngân hàng Trung ương. Đây là biện pháp mà nhà lãnh đạo này tin rằng có thể giúp ngăn chặn tình trạng lạm phát trong vòng 18-24 tháng.

Chính phủ Argentina trước đó dự báo lạm phát trong giai đoạn từ tháng 12/2023-2/2024 sẽ tăng trung bình từ 20% đến 40%.

Tại Argentina, siêu lạm phát thời kỳ 1989-1990 vẫn còn nguyên trong ký ức và là nỗi ám ảnh của người dân nước này, khi mà chỉ số CPI tăng tới 3.079% vào năm 1989 và tăng 2.314% vào năm 1990, cùng với đó là tỷ lệ nghèo đói rất cao.

IMF ủng hộ cải cách kinh tế của Chính phủ Argentina

Ngày 11/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ ủng hộ các chính sách cải cách kinh tế của tân Tổng thống Argentina Javier Milei, chỉ một ngày sau khi tổ chức tài chính này và Chính phủ quốc gia Nam Mỹ kết thúc đàm phán về các khoản nợ đến hạn phải trả.

Phát biểu trong một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp người phát ngôn của IMF, Julie Kozak tuyên bố các chính sách của Tổng thống cực hữu Milei hướng tới bình ổn kinh tế Argentina đang ở trong giai đoạn rất khó khăn và kiềm chế tình trạng siêu lạm phát.

 

Theo bà Kozak, Argentina đang theo đuổi một kế hoạch “tham vọng” nhằm phục hồi kinh tế vĩ mô, dựa trên việc cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách, củng cố quỹ tài chính nhằm tăng dự trữ ngoại tệ, điều chỉnh giá cả, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Trung ương và “tạo ra một nền kinh tế đơn giản hơn theo định hướng thị trường.”

Các giải pháp cải cách của Tổng thống Milei, 53 tuổi, còn bao gồm việc cắt giảm hàng nghìn người lao động thuộc khu vực nhà nước, giảm trợ giá phương tiện giao thông công cộng và nhiên liệu.

Trước tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh trong năm 2023 rơi vào suy thoái, khi dự kiến giảm ở mức -2,5%.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát năm vừa qua của Argentina ở mức 200% và tỷ lệ người nghèo lên tới 40,1% trong tổng số 46 triệu dân. Tuy nhiên, với những chính sách cải cách kinh tế triệt để của Chính phủ Milei, hôm 9/1 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Argentina sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm nay và mức 3,2% vào năm 2025.

Ngày 10/1, Chính phủ Argentina và IMF đã hoàn tất đàm phán cấp chuyên viên về việc tiếp tục triển khai thỏa thuận cho vay trị giá 44 tỷ USD đã đạt được từ năm 2018 giữa hai bên, tuy nhiên chương trình này bị ngừng thực hiện từ giữa năm 2023, bởi chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Milei không hoàn thành các cam kết với tổ chức tài chính này.

Ban điều hành IMF sẽ xem xét thông qua thỏa thuận trong những tuần tới. Nếu được phê chuẩn, IMF sẽ giải ngân 4,7 tỷ USD cho Chính phủ Argentina để thanh toán các khoản nợ trong những tháng tới, trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ quốc gia Nam Mỹ đang rất khan hiếm.

Thị trường chứng khoán Argentina đã phản ứng tích cực với thỏa thuận đạt được giữa IMF và Chính phủ Tổng thống Milei khi các mã cổ phiếu tràn ngập sắc xanh ngay khi phiên giao dịch ngày hôm nay mở cửa.

 

Tổng thống Milei cam kết sẽ tăng dự trữ ngoại tệ lên 10 tỷ USD vào cuối năm nay và đạt thặng dư ngân sách ở mức 2% GDP./.

Đồng tiền mệnh giá 100 peso của Argentina. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Fitch Ratings: Argentina đối mặt tình trạng vỡ nợ do nền kinh tế tồi tệ

Theo Fitch Ratings, kịch bản về việc Argentina vỡ nợ xuất phát từ tình hình kinh tế vĩ mô “tồi tệ” cũng như những thách thức về mặt quản trị mà nước này phải đối mặt trong thời gian tới.

(TTXVN/Vietnam+)
67 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1235
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1235
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149760