Trong công bố được đưa ra, các Bộ trưởng Thương mại APEC cho hay: “Chúng tôi, các Bộ trưởng Thương mại thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nhận thấy những thách thức chưa từng có mà đại dịch COVID-19 gây ra. Chúng tôi thực sự đau buồn trước những mất mát về con người do đại dịch. Chúng tôi cũng bày tỏ sự kính trọng đối với đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch trên khắp thế giới, đặc biệt tại các nền kinh tế thành viên thuộc APEC vì những đóng góp và sự hy sinh của họ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế mà cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt sẽ để lại những hệ quả tiêu cực lâu dài đối với cuộc sống của người dân”.
“Chúng tôi lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng lớn nhất của sự hợp tác ở tất cả các cấp và trên toàn khu vực để đẩy nhanh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cam kết hợp tác chặt chẽ để nhanh chóng đánh bại đại dịch”, công bố nhấn mạnh.
Các Bộ trưởng Thương mại APEC thừa nhận việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu của mọi nền kinh tế, tuy nhiên nhấn mạnh việc khắc phục các thách thức về mặt kinh tế cũng phải được tập trung ứng phó.
Các Bộ trưởng APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mở cửa các thị trường và cùng làm việc để đảm bảo một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, ổn định và có thể dự đoán nhằm đảm bảo rằng thương mại và đầu tư tiếp tục được duy trì hoạt động trong thời kỳ đầy thử thách này.
Công bố trên cũng hối thúc các nền kinh tế thành viên APEC thực hiện những biện pháp khẩn cấp để đối phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19. Các biện pháp phải “có mục đích, minh bạch, đồng đều và tạm thời”, cũng như không nên tạo ra những rào cản không cần thiết đối với hoạt động thương mại và phải phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại APEC cũng khuyến khích các nền kinh tế thành viên hành động nhanh chóng để người dân có thể tiếp cận kịp thời đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết, cũng như thực thi các biện pháp để tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi nhanh, khả năng mở rộng và tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Các Bộ trưởng APEC cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ và đưa người lao động quay trở lại làm việc nên là ưu tiên lớn nhất đối với các nền kinh tế lúc này. Ngoài ra, nhu cầu chia sẻ thông tin về các chính sách và biện pháp, trong đó có các gói kích thích kinh tế ngắn hạn và dài hạn nhằm ứng phó với những thách thức kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Theo thông báo trên, dịch COVID-19 cũng nêu bật sự cần thiết tận dụng các cơ hội của nền kinh tế kỹ thuật số và các công nghệ tạo điều kiện cho hoạt động thương mại và kinh doanh quốc tế là điều cần thiết để giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế.
Một số diễn biến đáng chú ý về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 5/5
Tính đến 8 giờ sáng ngày 5/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận số ca nhiễm vì đại dịch COVID-19 đã lên tới 3.722.692 ca, trong đó 257.896 trường hợp tử vong và 1.238.813 ca phục hồi. Hiện Mỹ vẫn là tâm dịch của toàn thế giới khi nước này ghi nhận có 1.236.141 ca lây nhiễm và 72.167 ca tử vong.Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 23.306 ca nhiễm mới và 2.246 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.
|
Anh chính thức vượt Italy về số ca tử vong do COVID-19. (Ảnh: Getty Images) |
Tại Anh, ngày 5/5, Anh ghi nhận đã có gần 30.000 người tử vong do mắc COVID-19, mức cao nhất được ghi nhận tại châu Âu và nước này cũng chính thức vượt Italy về số ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, Anh ghi nhận đã có hơn 195.000 ca mắc COVID-19.
Nga ghi nhận số ca lây nhiễm vì COVID-19 vượt mốc 155.000 người. Ngày 5/5, nước này ghi nhận thêm 10.102 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 155.370 ca nhiễm, trong đó 1.451 ca tử vong và 19.865 ca bình phục.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất trong 1 ngày với 5.714 ca, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại Moskva lên 80.115 người. Moskva cũng ghi nhận thêm 52 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 816 ca.
Hồi tuần trước, Nga đã gia hạn thêm các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 11/5. “Đỉnh điểm của dịch bệnh hiện vẫn ở phía trước, chúng ta đang phải đối mặt với giai đoạn mới hết sức căng thẳng, đe dọa đến tính mạng con người”, Tổng thống Vladimir Putin cho biết.
Tại Australia , nước này ghi nhận thiêt hại hàng tỷ USD mỗi tuần, gần 1 triêu người mất viêc do dịch COVID-19. Các số liêu của Chính phủ Australia công bố ngày 5/5 cho thấy nền kinh tế nước này sẽ chịu thiêt hại 4 tỷ AUD (2,5 tỷ USD) mỗi tuần nếu các biên pháp phong tỏa do dịch COVID-19 tiếp tục được áp dụng.
Tại Đông Nam Á, ngày 5/5, Tiến sỹ Li Ailan, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia đã cảnh báo làn sóng thứ 2 bùng phát dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ xảy ra tại Campuchia dù nước này đã ứng phó tốt với làn sóng thứ 1.
Bà Li Ailan nêu rõ dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn còn kéo dài trên toàn cầu. Nếu dịch bệnh bùng phát ở các nơi khác trên thế giới, không nước nào là an toàn và vì vậy, mọi người dân nên cùng nhau quản lý rủi ro.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng bày tỏ quan ngại về làn sóng tiếp theo của COVID-19 có thể xảy ra do khách nước ngoài tiếp tục nhập cảnh vào Campuchia. Do đó, ông chỉ đạo các cơ quan cảnh giác cao độ và kiểm soát chặt các sân bay và cửa khẩu để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Ngày 5/5, giới chức y tế Indonesia thông báo nước này đã ghi nhận thêm 484 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 12.071 người. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này.
Bộ Y tế Singapore cùng ngày cũng xác nhận thêm 632 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.410 người, trong đó 18 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 14 ca tử vong do COVID-19 và 199 ca mắc mới. Hiện số ca tử vong tại Philippines do dịch bệnh đã lên tới 637 ca, trong khi số ca nhiễm là 9.684 ca.
Ngày 5/5, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 30 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 6.383 người trong bối cảnh Malaysia bước sang ngày thứ 2 sau khi nới lỏng một số biện pháp hạn chế về đi lại và mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Malaysia cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên 106 người.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục chuyển biến tích cực tại Thái Lan khi nước này ngày 5/5 chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới ghi nhân theo ngày thấp nhất trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 9/3.
Hiện Việt Nam, Lào, Campuchia và Timor-Leste chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do COVID-19./.
Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)