Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng thống nhất tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã cuộc trao đổi với bà Karen Reddington, Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới FedEx Express với tư cách là nhà tài trợ cho APEC.
- Điều gì đã đưa bà đến với APEC 2017?
Bà Karen Reddington: FedEx từ lâu đã ủng hộ APEC cũng như những đặc trưng nổi bật của APEC là thương mại tự do và hợp tác kinh tế chặt chẽ. Chúng tôi rất tự hào là nhà tài trợ cho APEC trong cả hai lần Việt Nam đăng cai tổ chức các hoạt động của APEC vào các năm 2006 và 2017.
Trong hơn một thập kỷ kể từ lần đầu tiên chúng tôi tài trợ cho APEC, thật tuyệt vời khi thấy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trên 500%, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người cũng tăng 175%. Có thể nói, sự hợp tác đang diễn ra rất tốt đẹp không chỉ giữa FedEx và APEC mà còn giữa FedEx và Việt Nam.
- Theo bà, làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế APEC và các lĩnh vực hợp tác nào cần phải đẩy mạnh hơn nữa?
Bà Karen Reddington: Một trong những điều mà chúng tôi nhận thấy và khiến chúng tôi thật sự vui mừng là Chính phủ Việt Nam luôn đặt ưu tiên cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng.
Chúng tôi thấy rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức trên 6% trong năm nay và điều quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng cần theo kịp với tăng trưởng kinh tế. Vì thế, cơ sở hạ tầng sân bay, đường sá và mạng lưới kỹ thuật số là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao như vậy.
Một điều cũng không kém phần quan trọng đó là các bạn cần phải có một môi trường pháp lý phù hợp để đảm bảo rằng các điều kiện cơ sở hạ tầng được tận dụng, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa, quy định giao thương xuyên biên giới được sắp xếp đồng thuận... Tất cả những điều này sẽ đảm bảo rằng hàng hóa được lưu thông thuận lợi và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
- Với tư cách là một quan chức cao cấp của hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới, bà có nhận định gì về những tác động của TPP đối với các nền kinh tế APEC?
Bà Karen Reddington: Đầu tiên, tôi muốn chia sẻ rằng từ lâu FedEx đã ủng hộ các thỏa thuận thương mại và quan điểm của chúng tôi là thương mại đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Khi thương mại toàn cầu được tăng cường thì cộng đồng cũng sẽ thịnh vượng. Vì thế, chúng tôi rất lạc quan về việc mở ra các thỏa thuận thương mại, đặc biệt là thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao.
Đứng trước nhu cầu của thế kỷ 21, môi trường thương mại điện tử có những đòi hỏi khác biệt về thỏa thuận thương mại. Một trong những vấn đề cần làm để đảm bảo dòng chảy thương mại là dữ liệu được dịch chuyển một cách tự do xuyên biên giới. Đây là một điều cần được tính tới trong một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao.
- Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (IR4). Bà có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp khác để tận dụng những cơ hội mà IR4 mang lại?
Bà Karen Reddington: Tôi cho rằng chúng ta cần lưu ý sự dịch chuyển hữu hình trong IR4. Ví dụ như trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, đó là sự kết hợp giữa luân chuyển hàng hóa cùng với các dữ liệu đi kèm lô hàng đó. Vì vậy, chúng ta ngày càng thấy công nghệ cảm biến được sử dụng nhiều hơn.
Điển hình là trong ngành chăm sóc sức khỏe, các kiện hàng y tế thường cần được vận chuyển trong một môi trường nhiệt độ được kiểm soát và cần có cảm biến để báo cáo tình trạng thực tế trong suốt quá trình lưu thông.
[Trang mạng Anh: APEC 2107 là cơ hội cho Việt Nam củng cố vị thế]
Không chỉ là vận chuyển đơn thuần, mà còn cần phải hiểu hàng hóa cần nhiệt độ như thế nào. Khi môi trường nhiệt độ không đạt được điều kiện mong muốn, làm sao để can thiệp và đóng gói bảo quản lại kiện hàng đó.
Vậy nên điều quan trọng của IR4 trong cung ứng là tích hợp thông tin khi vận chuyển hàng hóa và đảm bảo rằng chúng ta vận dụng điều đó để vừa tăng hiệu quả cho chuỗi cung ứng, vừa nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
- Theo bà, làm thế nào để Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư?
Bà Karen Reddington: Tôi cho rằng Việt Nam có vị trí chiến lược tuyệt vời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước hết, chúng ta có thể thấy rằng tăng trưởng ở khu vực là 6,5% trong năm nay, trong khi ở Việt Nam là trên 6%. Mấu chốt để giữ đà tăng trưởng này là đảm bảo duy trì môi trường kinh doanh thân thiện và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Tôi cho rằng Việt Nam rất quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ, vì thế điều cần thiết bây giờ chính là đầu tư và cơ sở hạ tầng hữu hình như sân bay, đường sá... Cùng với đó là đào tạo cho người lao động và tiếp tục đào tạo thêm trong suốt hành trình doanh nghiệp để doanh nghiệp trở nên thành thạo về số hóa, hiểu cách tiếp cận thế giới thương mại điện tử; đảm bảo rằng Việt Nam tạo nên một môi trường pháp lý hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc bài trừ tệ quan liêu và giảm thiểu các rào cản thương mại. Thực hiện được những điều này, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.
- Một trong những vấn đề ở Việt Nam là sự eo hẹp của ngân sách Nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức đó?
Bà Karen Reddington: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là Việt Nam đảm bảo được tính cạnh tranh của nền kinh tế và kể được câu chuyện của đất nước các bạn. Việt Nam có một câu chuyện tuyệt vời, với điều kiện nhân khẩu tốt, vị trí chiến lược trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thêm vào đó, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong châu Á-Thái Bình Dương đang đóng góp từ 20-50% vào mức tăng trưởng và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực. Có đến gần 50% hoạt động giao thương của nhóm này diễn ra trong khu vực.
Do đó, theo quan điểm của tôi, vấn đề là ở chỗ các bạn kể được câu chuyện của mình và dẫn chứng bằng một môi trường pháp lý tốt để hỗ trợ sự tăng trưởng liên tục tại Việt Nam.
- Theo bà, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế APEC?
Bà Karen Reddington: Tôi nghĩ Việt Nam đã và đang làm rất nhiều điều để đẩy mạnh hợp tác trong khu vực. Việc chủ trì Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 là một minh chứng mạnh mẽ cho nỗ lực này.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đi đầu trong một số chương trình quan trọng, điển hình như Khuôn khổ tạo thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC và điều này thực sự hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp nhỏ để gắn kết với thương mại điện tử.
Chúng ta có thể thấy thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Việt Nam và thị trường toàn cầu qua nền tảng trực tuyến. Vai trò của FedEx là hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ tiếp cận khách hàng trong mạng lưới 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tôi tin rằng điều đó là mấu chốt với Việt Nam./.