Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và khu vực, các quan sát viên của APEC cũng như giới học giả, doanh nghiệp, báo chí… Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn đã phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch SOM Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh "Trong khi APEC đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm, thì những gì APEC đã làm được vẫn còn cách xa mong đợi của người dân". "APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi 3 lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau", ông nói thêm.
Chủ tịch SOM khẳng định "Cần chú trọng đồng đều cả 3 trụ cột của bao trùm: kinh tế, tài chính và xã hội. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu 2 trụ cột kia không theo kịp. Ngược lại, nếu hiệu quả của một trụ cột được nâng cao sẽ tác động thuận đến 2 trụ cột còn lại.". Theo đó, "APEC cần có cách tiếp cận chiến lược và toàn diện đối với bao trùm".
Chủ tịch SOM Bùi Thanh Sơn nêu rõ, với việc hình thành một Chương trình hành động APEC toàn diện trên cả 3 trụ cột, "APEC sẽ có thể xác định được những giải pháp liên ngành nhằm giải quyết vấn đề bao trùm một cách hiệu quả thông qua phối hợp chặt chẽ hơn nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, nâng cao năng lực thể chế và pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển bao trùm cũng như đề xuất các biện pháp để quản lý quá trình chuyển đổi".
Chủ tịch SOM cũng bày tỏ tin tưởng, những trao đổi và kết quả của Diễn đàn sẽ giúp "APEC hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC bao trùm lấy người dân làm trung tâm".
Cũng trong phiên khai mạc sáng nay, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, đã có bài phát biểu, trong đó nêu rõ phát triển bao trùm là một trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, phản ánh nguyên tắc "không bỏ ai lại phía sau" và tầm nhìn của Liên Hợp Quốc về "xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, bao dung, cởi mở và bao trùm về xã hội, trong đó mọi nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đều được đáp ứng".
Ông cũng cho biết "số người đói nghèo ở khu vực APEC đã giảm từ 204 triệu người năm 2005 xuống còn 185 triệu người năm 2015". Tuy nhiên, nhiệm vụ của các chính phủ không chỉ là hỗ trợ những người nghèo thoát nghèo mà còn cần bảo đảm rằng những người ở trên ngưỡng nghèo đói sẽ không rơi lại vào tình trạng đói nghèo.
Để APEC phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới, ông cho rằng, APEC, đặc biệt các nền kinh tế mới nổi trong APEC, cần tạo thêm nhiều việc làm có năng suất cao và thỏa đáng, cần tăng cường đầu tư vào đào tạo nghề, giáo dục bậc cao, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy bình đẳng giới và tham gia của phụ nữ vào kinh tế, và bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được tham gia vào phát triển và hưởng các lợi ích của phát triển…
Tiếp sau phát biểu của ông Malhotra, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của phát triển bền vững đối với các nền kinh tế APEC. Ông nhấn mạnh APEC đã đạt được những thành tích quan trọng trong hơn 25 năm phát triển, tuy nhiên, còn nhiều thách thức đang đặt ra đối với các thành viên như bất bình đẳng gia tăng, các vấn đề biến đổi khí hậu, bệnh dịch, xung đột… ngày càng nhiều và gay gắt hơn.
Ông cũng chỉ ra 5 yếu tố mang tính quyết định đối với phát triển bao trùm, gồm: bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tăng lương và tạo thêm việc làm; gắn tăng trưởng với đầu tư bền vững vào con người; bảo đảm bao trùm về tài chính; có các chính sách thu hẹp bất bình đẳng kinh tế để không tạo ra loại trừ xã hội; và tăng cường phối hợp chính sách ở tầm quốc tế và giữa các tổ chức đa phương trong lĩnh vực tăng trưởng bao trùm.
Ông khẳng định Ngân hàng Thế giới sẵn sàng đồng hành với các đối tác trong khu vực trong nỗ lực phát triển bao trùm.
Tiếp theo đó, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận chủ đề đầu tiên của Đối thoại là "Phát triển bao trùm về kinh tế" và lắng nghe các bài trình bày, tham luận của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng đại diện một số nền kinh tế thành viên APEC.
Trong chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục có 3 phiên thảo luận về các khía cạnh khác nhau của phát triển bao trùm./.
PV