Vương quốc Anh và Ấn Độ ngày 13/1 đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) tại New Delhi.
Hai bên kỳ vọng đạt được một thỏa thuận vào cuối năm với mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương hàng năm thêm hàng tỷ bảng Anh.
Tại cuộc họp tại New Delhi, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal và người đồng cấp Anh Anne-Marie Trevelyan cho biết họ cũng sẽ khởi động một thỏa thuận thương mại tạm thời, có phạm vi hạn chế trong vài tháng tới trước khi hoàn tất thỏa thuận FTA song phương.
[Kinh tế Anh xáo trộn sau một năm rời "ngôi nhà chung" châu Âu]
Phía Anh cho biết thỏa thuận này gần như có thể tăng gấp đôi xuất khẩu của nước này sang Ấn Độ, với dự kiến đến năm 2035 sẽ giúp thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại tăng thêm 28 tỷ bảng Anh (38,3 tỷ USD) mỗi năm.
Theo số liệu thống kê của nước Anh, tổng thương mại trong năm 2019 giữa nước này và nền kinh tế châu Á này đạt 23 tỷ bảng.
Các quan chức muốn tận dụng nhu cầu về những sản phẩm cao cấp từ Anh như rượu whisky của tầng lớp trung lưu Ấn Độ.
Họ cũng hy vọng Ấn Độ có thể trở thành một khách hàng lớn cho ngành công nghệ xanh của Anh, cũng như tăng cường các tuyến thương mại hiện có trong lĩnh vực dịch vụ.
Chính phủ Anh đã đưa thỏa thuận FTA với Ấn Độ trở thành một trong những ưu tiên hậu Brexit - chỉ việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Khi nước này không còn nằm trong chính sách thương mại chung của EU, các Bộ trưởng Anh muốn hướng chính sách thương mại tới các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ấn Độ và Vương quốc Anh đã có một mối quan hệ thương mại bền chặt trong nhiều năm.
Chính phủ Ấn Độ đang tìm kiếm cơ hội lớn hơn cho người dân nước này đang sống và làm việc ở Anh, khi hiện có hơn một triệu người gốc Ấn ở Xứ sở sương mù sau nhiều thập kỷ di cư.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng triển vọng của bất kỳ FTA nào giữa hai nước còn phụ thuộc vào các quy định nới lỏng và giảm học phí cho sinh viên và chuyên gia Ấn Độ đến nước Anh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Goyal đã tuyên bố các vấn đề nhạy cảm sẽ không phải là rào cản trong quá trình đàm phán, vì cả hai nước sẽ không biến chúng thành điều kiện cần thiết cho một thỏa thuận thương mại./.
H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)