Anh cho biết sẽ phác thảo chi tiết đề án thương mại với các nước đang phát triển trong một tài liệu tham vấn.
Theo đó, ngoài việc giảm thuế đối với hàng hóa vào Anh, kế hoạch này còn hướng tới việc đơn giản hóa các “quy tắc xuất xứ” nhằm xác định nơi sản xuất một sản phẩm có chuỗi cung ứng xuyên biên giới cho mục đích đánh thuế.
Anh cho biết đã nghiên cứu các chương trình tương tự ở Canada, Mỹ, Nhật Bản và EU khi xây dựng chương trình mới của mình. Chính phủ đang tìm kiếm quan điểm về kế hoạch từ các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong 8 tuần tiếp theo.
Bộ trưởng Thương mại Liz Truss cho biết: “Giờ đây, Vương quốc Anh là một quốc gia thương mại độc lập, chúng tôi có cơ hội rất lớn để làm những điều khác biệt, thực hiện một cách tiếp cận tự do hơn, ủng hộ thương mại dẫn đến tăng trưởng và tạo ra các cơ hội".
Bà Liz Truss khẳng định, kế hoạch của Anh nhằm tìm cách giảm gánh nặng quan liêu trong thương mại giữa Anh và các nước đang phát triển, cũng như các nước được xếp vào nhóm có thu nhập trung bình thấp hoặc thấp hơn như Pakistan, Nigeria và Indonesia.
Anh đang nỗ lực duy trì các hiệp định thương mại tự do hiện nay với các nước trên thế giới sau khi nước này đã rời khỏi EU. Anh đang gấp rút ký kết khoảng 40 thỏa thuận tự do thương mại với hơn 70 nước mà EU đã ký.
Bên cạnh đó, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết, nước này mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2022.
Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các cuộc đàm phán để Anh gia nhập CPTPP chính thức được khởi động sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Anh cũng như xây dựng một Hiệp định tự do thương mại mang tính lịch sử cho Anh.
Ông Boris Johnson nhấn mạnh: "Tư cách thành viên của CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ". Ông khẳng định đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh.
Anh đã tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới kể từ khi rời EU. Với CPTPP, Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP. Tính đến thời điểm hiện tại, Vương quốc Anh đã có các hiệp định thương mại với 7 trong số các thành viên của CPTPP.
Theo Bộ Thương mại Anh, việc nước này tham gia CPTPP sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ô tô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, nước này sẽ được mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp./.
Hoài Hà (Theo Reuters, thestar.com.my)