rong khi đó, tờ Financial Times cho biết, Thủ tướng Anh Theresa May đã cam kết sẽ thanh toán “hóa đơn ly dị” 20 tỷ euro để rời khỏi EU. Dự kiến, bà May sẽ đề cập tới vấn đề này trong bài phát biểu về Brexit tại Florence (Italy) vào ngày 22/9. Theo kế hoạch, trong tuần này, bà May sẽ tới Florence để thảo luận về tương lai của Anh trong thời kỳ hậu Brexit và các mối quan hệ với EU.
Được biết, Cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Anh về EU, ông Oliver Robbins đã thông báo cho các đối tác EU rằng, vấn đề Anh chuẩn bị chi trả 20 tỷ euro để rời khỏi EU sẽ được nhắc tới trong bài phát biểu của Thủ tướng. Tuy nhiên, trong một thông báo mới nhất, Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định rằng, thông tin này đơn thuần chỉ là sự “đồn đoán về một bài phát biểu chưa được thực hiện”.
Hiện các vấn đề liên quan tới nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU sau Brexit vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong các vòng đàm phán giữa London với Brussels. Chính vì thế, thông tin trên từ các quan chức Anh được nhìn nhận là một nỗ lực của bà May nhằm “phá vỡ thế bế tắc” kéo dài trong 3 tháng qua liên quan tới vấn đề tài chính trong tiến trình đàm phán Brexit và có thể cho phép các đại diện của hai bên tiếp tục thúc đẩy đàm phán.
Cho tới nay, chính phủ Anh và EU vẫn chưa chính thức đưa ra con số cụ thể về hóa đơn ly dị để Anh có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính với EU sau Brexit, dự kiến diễn ra vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, nếu 20 tỷ euro trên được xác minh là con số cuối cùng trong thỏa thuận ly dị giữa Anh và EU, thì đây sẽ là một mức thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng khoảng 60 tỷ euro (53 tỷ bảng Anh) mà EU đã đưa ra.
Thông tin về việc Anh sẽ chi trả 20 tỷ euro để rời khỏi EU được đưa ra trong bối cảnh nội bộ Anh đang phải đối mặt với sự chia rẽ liên quan tới chiến lược Brexit, sau khi Ngoại trưởng Boris Johnson có bài viết 4.000 từ với những lập luận gây chấn động về tầm nhìn riêng của quan chức ngoại giao này về Brexit. Trong bài viết, ông Johnson đã kêu gọi thực hiện một tiến trình Brexit “sạch”, mà theo đó, Anh không phải bỏ ra bất cứ khoản chi trả nào để có được quyền tiếp cận với một thị trường đơn lẻ trong EU sau một giai đoạn chuyển tiếp. Quan chức ngoại giao này cho rằng, Anh có thể duy trì một mối quan hệ gần gũi với một thị trường đơn lẻ, tương tự như thỏa thuận tự do thương mại của Canada.
Thông tin này đã gây ra nhiều sóng gió đối với ông Johnson khi xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi Thủ tướng May sa thải Ngoại trưởng vì đã phá vỡ nguyên tắc trong Nội các. Thậm chí còn có thông tin cho rằng, ông Johnson có thể sẽ từ chức nếu như tầm nhìn mà ông đưa ra không được đề cập tới trong bài phát biểu của bà May.
Ngay lập tức, cả ông Johnson và bà May đã có những động thái nhằm xoa dịu sự lo ngại của dư luận liên quan tới sự rạn nứt trong chính phủ. Về phía ông Johnson đã bác bỏ những lời đồn đoán về việc ông sẽ từ chức. Trong khi đó, Thủ tướng Anh cũng tỏ rõ sự tự tin vào việc Nội các sẽ đưa ra tiếng nói chung về chiến lược Brexit mà nhà lãnh đạo này đã đưa ra. Hiện bà May đang lên kế hoạch thảo luận chi tiết về bài phát biểu bà sắp thực hiện tại Florence trong một phiên họp Nội các Anh được triệu tập vào ngày 21/9. Được biết, hiện ông Johnson đã lên kế hoạch bay sang Italy để có một bài phát biểu nhằm thể hiện vai trò sát cánh bên Thủ tướng./.
Thu Lan (Theo Financial Times, Sky News)