Anh kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Mỹ 

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cử các quan chức ngoại giao và thương mại hàng đầu tới Washignton với trọng tâm làm việc là vấn đề thương mại.
Anh kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Mỹ

Với mong muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại cho giai đoạn hậu Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - với Mỹ, ngày 7/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cử các quan chức ngoại giao và thương mại hàng đầu tới Washignton với trọng tâm làm việc là vấn đề thương mại.

Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sẽ hội đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo trong khi Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss cũng sẽ tham dự hàng loạt cuộc họp với các quan chức thương mại Mỹ.

Phát biểu sau khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence tại Washington, Ngoại trưởng Raab cho biết phía Anh đánh giá cao sự "nồng hậu" và "nhiệt thành" với mối quan hệ Anh-Mỹ của tổng thống nước chủ nhà.

Ông cũng khẳng định Anh mong muốn làm việc với đối tác Mỹ để đi đến ký kết một thỏa thuận tự do thương mại có lợi cho cả hai và thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức an ninh chung.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh khẳng định đàm phán và ký kết một thỏa thuận tự do thương mại mới với Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu của London. Anh muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại chính thức.

Bà cũng cho biết thêm rằng sau khi đặt những nền móng cần thiết, London đang bám sát mục tiêu nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ để các doanh nghiệp Anh có thể sớm nắm bắt cơ hội vàng tăng cường thương mại với Washington.

Theo Bộ trưởng Truss, hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh và mỗi bên đã đầu tư cho nền kinh tế của nhau hơn 1.000 tỷ USD.

Theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ, bà Truss sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trong chuyến thăm này.

Trong bối cảnh chính phủ mới tại Anh quyết thực hiện Brexit vào ngày 31/10 tới dù có hay không có thỏa thuận thì việc đạt được một hiệp định thương mại với chính quyền Washington ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Tổng thống Mỹ từng cho rằng trao đổi thương mại song phương sẽ tăng theo cấp số nhân sau khi Anh chính thức rời EU và thỏa thuận thương mại song phương cũng là nội dung quan trọng trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Johnson vài ngày sau khi ông nhậm chức hồi tháng trước.

Phát biểu sau cuộc điện đàm với tân Thủ tướng Anh vào tháng trước, Tổng thống Trump khẳng định hai bên đã bắt tay vào chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại và hứa hẹn sẽ có một thỏa thuận lớn.

Với tân Thủ tướng Anh, việc có thể ký kết một thỏa thuận thương mại nhanh gọn với Mỹ sẽ phát đi thông điệp quan trọng chứng tỏ London có thể tự đứng trên đôi chân của mình khi rời EU.

Tuy nhiên, cũng không ít cảnh báo rằng việc ông Johnson sẵn sàng đưa Anh ra khỏi EU mà không cần thỏa thuận với các đối tác lâu năm trong khối sẽ là điểm yếu để Tổng thống Trump "bắt thóp" trong quá trình đàm phán.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nhận định từ quan điểm của Mỹ, toàn khối châu Âu mang lại lợi ích nhiều hơn so với một nước Anh đơn lẻ. Vì vậy càng có ít lý do để Washington phải nhượng bộ trong đàm phán với London.

Anh cũng đang trong giai đoạn khó khăn "tuyệt vọng" và cần đạt thỏa thuận nhanh chóng, đó đều là những điều kiện thuận lợi để Mỹ "rắn tay" trong các cuộc thương thảo.

Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2018, thặng dư thương mại Mỹ-Anh là 20 tỷ USD. Hai bên trao đổi số lượng hàng hóa và dịch vụ tổng trị giá 262 tỷ USD. Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Mỹ.

Dịch vụ tài chính và máy bay là những hạng mục xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Anh và ở chiều ngược lại, ôtô và du lịch là những hạng mục xuất khẩu hàng đầu./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

 

330 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1081
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1081
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87074148