Anh hi vọng gia nhập Hiệp định USMCA 

(ĐCSVN) – Ngày 21/9, các quan chức chính phủ Vương quốc Anh cho biết, nước này đang hi vọng gia nhập Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) trước khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc hội đàm đầu tiên tại Nhà Trắng.
Anh hi vọng gia nhập Hiệp định USMCA

Theo các quan chức nước này, Vương quốc Anh đang xem xét khả năng gia nhập USMCA khi thừa nhận rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không sớm tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc hội đàm đầu tiên tại Nhà Trắng. Chuyến thăm Mỹ là chuyến đi đầu tiên của ông Johnson kể từ khi trở thành Thủ tướng Anh vào năm 2019 do đại dịch COVID-19 đã hạn chế đáng kể hoạt động đi lại.

Trong chuyến thăm tới Mỹ lần này, ông Boris Johnson đã không cam kết đảm bảo về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Mỹ trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra vào năm 2024.

Trong suốt chiến dịch tranh cử  vào năm ngoái, ông Joe Biden nói rõ ông không muốn ký các FTA nếu đắc cử Tổng thống. Sau khi đàm phán Hiệp định thương mại Anh - Mỹ đạt được những tiến bộ nhanh chóng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, quá trình này đã dừng lại từ khi ông Joe Biden nhậm chức và vẫn chưa khởi động lại.

Tham gia USMCA sẽ giúp Anh tiếp cận các ưu đãi thuế quan, hoặc Anh có một lựa chọn khác là ký các thỏa thuận thương mại nhỏ mà ông Joe Biden có thể cởi mở hơn. Theo một nguồn tin trong chính phủ Anh, có nhiều cách để làm được điều này, song câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Mỹ đã sẵn sàng hay chưa.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Joe Biden, khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Boris Johnson cho biết: “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đàm phán để đạt được các thỏa thuận thương mại với các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Mỹ”.

Về phần mình, trả lời câu hỏi liên quan thỏa thuận thương mại mà phía Anh đang thúc đẩy mạnh mẽ, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ phải làm việc về vấn đề đó" và rằng thỏa thuận này "đang tiếp tục được thảo luận".

Hiệp định USMCA - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020. Hiệp định được đánh giá sẽ đem lại lợi ích chung và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA sẽ kết nối gần nửa tỷ người tiêu dùng trong một thị trường chung chiếm tới khoảng 27% GDP toàn thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang lại kim ngạch thương mại trị giá 1,2 nghìn tỷ USD hàng năm giữa 3 nước.

Hiệp định USMCA thay thế cho Hiệp định NAFTA (1994) sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xóa bỏ NAFTA vào hồi năm 2016 với lý do NAFTA không công bằng và đã khiến lao động Mỹ bị mất việc làm. Động thái này của ông Donald Trump đã dẫn tới việc 3 nước thành viên Mỹ, Canada và Mexico phải khởi động lại đàm phán. 

Anh đã tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU). Hiện London đã đạt được các thỏa thuận với Canada và Mexico cùng nhiều các quốc gia khác trên thế giới.

Ngày 1/2 vừa qua, tân Ngoại trưởng Anh Liz Truss khi đó là Bộ trưởng Thương mại Quốc tế nước này đã đưa ra lời đề nghị chính thức về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đúng dịp  tròn 1 năm kể từ khi nước này rời EU. Theo đó, với đề nghị trên, Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này. Có thể nói, CPTPP là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của nước này sau khi rời EU. Với CPTPP,  Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP.  Bà Liz Truss cho biết, nước này đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP vào cuối năm 2022.

Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Tư cách thành viên của CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ". Ông khẳng định đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh./.

 
H.Hà (Theo Reuters, Sky News)
237 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1400
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1400
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87142670