Tuy nhiên cho đến nay, Anh mới dàn xếp được 14 trên tổng số 236 thỏa thuận quốc tế mà EU đã ký với các nước trên thế giới.
Điều này làm nảy sinh mối lo mới về nguy cơ gián đoạn nếu nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hay còn gọi là Brexit "không thỏa thuận."
[Anh công bố kế hoạch ngân sách cuối cùng trước khi Brexit]
Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu của Văn phòng Nội các Anh công bố hồi tuần trước cho thấy nước Anh mới dàn xếp được một phần rất nhỏ các thỏa thuận mới trong tổng số 236 thỏa thuận mà EU hiện có với các nước ngoài khối.
Nước Anh cần thương thảo để ký khoảng 40 thỏa thuận thương mại tự do mà EU hiện có với các đối tác, trong đó có Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico.
236 thỏa thuận nêu trên bao gồm các thỏa thuận quan trọng vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại, trong đó phải kể tới quyền cất cánh và hạ cánh của các hãng hàng không, và các thỏa thuận trong các lĩnh vực tài chính, thủy sản và hạt nhân.
Nếu Anh đạt được một thỏa thuận với EU sau Brexit, bao gồm cả giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước này rời liên minh vào tháng 3/2019, nước Anh sẽ có thêm thời gian để ký lại các thỏa thuận mà EU có với các đối tác trên thế giới.
Tiến độ chậm chạp trong việc thương thảo và ký kết 236 thỏa thuận nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy những khó khăn mà Chính phủ Anh đang phải chuẩn bị cho tình huống Brexit “không thỏa thuận.”
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh tuần qua cho hay 10 trên tổng số 12 dự án (cần có sự đảm bảo về sự hoạt động đầy đủ ở biên giới Anh trong trường hợp Brexit “không thỏa thuận”) có nguy cơ không được thực hiện đúng hạn.
Một chuyên gia luật cho biết những khó khăn mà nước Anh gặp phải trong việc tiếp nối 236 thỏa thuận nói trên có thể do nhiều nguyên nhân.
Các nước khác cũng có thể coi Brexit là cơ hội để thiết lập các thỏa thuận này và thu đươc nhiều lợi ích, thay vì chỉ sao y lại các thỏa thuận hiện có.
Ngoài việc cần nhiều thời gian để phê chuẩn, các thỏa thuận này còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai./.