Ngày 16/12, Ngoại trưởng Anh David Cameron và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được một “lệnh ngừng bắn bền vững” ở Dải Gaza.
Trong một bài viết chung trên tờ Sunday Times, Ngoại trưởng Cameron và Ngoại trưởng Baerbock nêu rõ: “Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để mở đường cho một lệnh ngừng bắn bền vững, dẫn đến một nền hòa bình bền vững. Điều này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.”
Hai quan chức bày tỏ quan ngại về tình trạng thương vong ở dân thường trong cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời kêu gọi Israel lập tức chấm dứt các cuộc tấn công.
Trước đó, ngày 12/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vì nhân đạo ở Gaza và trả tự do vô điều kiện cho các con tin ngay lập tức. Anh bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này.
Nghị quyết do Ai Cập, đại diện cho nhóm các quốc gia Arab, bảo trợ được thông qua trong bối cảnh chiến sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục bế tắc trong việc tìm kiếm một hành động thống nhất nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc công bố ngày 13/12, thiệt hại kinh tế của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đối với các nước láng giềng Arab bao gồm Liban, Ai Cập và Jordan có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD trong năm nay và đẩy hơn 230.000 người vào cảnh nghèo đói.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, cùng ngày 16/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đã tham gia vào một sứ mệnh chung của Liên hợp quốc nhằm cung cấp vật tư y tế và đánh giá tình hình tại bệnh viện Al Shifa ở Gaza.
WHO cho biết nhóm công tác đã chuyển dụng cụ phẫu thuật, thuốc gây mê và các loại thuốc khác đến Al Shifa, bệnh viện “hiện chỉ hoạt động ở mức tối thiểu.”
Qatar đã tích cực thúc đẩy hai bên ký thỏa thuận ngừng bắn, giúp các con tin ở Dải Gaza được phóng thích, đổi lấy sự tự do cho các tù nhân người Palestine bị Israel giữ.
Đầu tuần này, WHO đã bày tỏ lo ngại về hoạt động kiểm tra an ninh đối với các đoàn xe chở thiết bị y tế tại Dải Gaza và việc tạm giữ các nhân viên y tế sau những cuộc kiểm tra ảnh hưởng đến công tác chữa trị cho người bệnh.
Theo số liệu của giới chức y tế ở Dải Gaza, các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đến nay đã làm hơn 18.000 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Phía Israel cũng có gần 1.200 người thiệt mạng trong các vụ tấn công của Hamas./.