Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này tuyên bố chính phủ Anh vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nhằm kêu gọi Quốc hội phê chuẩn bản dự thảo thỏa thuận Brexit được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 11 năm ngoái.
Thủ tướng May cho biết, sáng cùng ngày, bà đã gửi bức thư đề nghị Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon cho tới cuối tháng 6/2019 nhằm tìm kiếm cơ hội thứ 3 đưa Anh rời khỏi ngôi nhà chung sau khi 2 bản dự thảo thỏa thuận Brexit do bà đưa ra đều bị Quốc hội Anh bác bỏ. Bức thư trên cũng nói tới tình thế khó khăn của bà May hiện nay khi Chủ tịch Quốc hội Anh John Bercow đã loại bỏ khả năng tiến hành bỏ phiếu lại về dự thảo thỏa thuận Brexit nếu không đi kèm theo những thay đổi đáng kể.
Thủ tướng May hy vọng rằng việc trì hoãn này sẽ giúp các nghị sỹ Anh có thêm thời gian để đưa ra quyết định cuối cùng về Brexit. “Liệu họ có muốn rời khỏi EU, cùng với bản thỏa thuận phản ánh kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, đó là giành lại quyền kiểm soát đối với tiền bạc, biên giới, luật pháp của chúng tôi, trong khi vẫn bảo toàn được an ninh quốc gia và các vấn đề việc làm? Hay họ muốn rời đi mà không có thỏa thuận? Hay họ không muốn rời đi và làm tổn thương niềm tin của công chúng?... Đã tới lúc cần đưa ra quyết định… Cho tới nay, Quốc hội đã làm mọi điều có thể nhằm tránh kịch bản phải đưa ra sự lựa chọn. Song các kiến nghị và sửa đổi mới liên tiếp được đưa ra trong khi Quốc hội vẫn không thể quyết định được điều mà họ muốn…” – bà May nói.
Trong bối cảnh trên, Văn phòng Thủ tướng Anh cũng thừa nhận rằng quốc gia này hiện đang lâm vào một “cuộc khủng hoảng”, khi mà Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về những bước đi tiếp theo.
Phát biểu trong một phiên họp Quốc hội, ngày 20/3, bà May đã nhắc lại 3 lần rằng: “Với tư cách là Thủ tướng, tôi không chuẩn bị cho kịch bản Brexit bị trì hoãn lâu hơn thời hạn 30/6”. Thông điệp này của bà May được cho là ám chỉ tới kịch bản nữ Thủ tướng Anh sẽ từ chức thay vì thực hiện phương án tiếp tục gia hạn Điều 50, đồng thời cũng để ngỏ khả năng bà sẽ chấp nhận một tiến trình Brexit không thỏa thuận nếu như các nghị sỹ Anh không phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit trước cuối tháng 6/2019.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu bà May có từ chức nếu như việc gia hạn Brexit kéo dài hơn 3 tháng, một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh chỉ bày tỏ quan điểm cho rằng: “Điều quan trọng đối với Thủ tướng là phát đi một tín hiệu rõ ràng về con đường đúng đắn phía trước”.
Theo quan điểm của bà May thì việc tiếp tục trì hoãn Brexit sẽ ràng buộc nước Anh trước nghĩa vụ tham gia vào các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới trong khi đây lại là điều mà Thủ tướng Anh không mong muốn. Bà May cho rằng, đã 3 năm qua trôi qua kể từ khi bày tỏ nguyện vọng rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016 thì việc người dân Anh tiếp tục được yêu cầu tham gia vào tiến trình bầu chọn ra những thành viên mới trong EP là điều “không thể chấp nhận được”.
Theo quy định, các nước thành viên còn lại trong EU cần phê chuẩn đề xuất trì hoãn thời điểm thực thi Brexit trước khi có hiệu lực. Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh khai mạc ở Brussels (Bỉ) ngày 21/3, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận để đưa ra phản hồi trước đề xuất gia hạn Điều 50 từ phía London.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của bà May được dự báo là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tiết lộ trước truyền thông Đức ngày 20/3 về khả năng liên minh này sẽ không đưa ra quyết định về đề xuất trì hoãn Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này mà có thể sẽ được lùi sang một cuộc gặp khác diễn ra vào tuần tới. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã nêu điều kiện rằng, Anh cần làm rõ lý do và thời hạn trì hoãn Brexit để liên minh này có thể cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Trong khi đó, ngày 20/3, một phát ngôn viên của ông Juncker cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, sự kiên nhẫn của liên minh này trong vấn đề Brexit đang “dần cạn kiệt”./.
Thu Lan (Theo NHK, express.co.uk, huffingtonpost.co.uk)